Dâu tây 20.000 đồng/lạng bán ở Hà Nội có phải hàng Đà Lạt?

Còn hơn 1 tháng nữa mới vào chính vụ nhưng dâu tây được quảng cáo ở Đà Lạt đã tràn Hà Nội . Ảnh: Ngọc Lan.
Còn hơn 1 tháng nữa mới vào chính vụ nhưng dâu tây được quảng cáo ở Đà Lạt đã tràn Hà Nội . Ảnh: Ngọc Lan.
Còn hơn 1 tháng nữa mới vào chính vụ nhưng dâu tây được quảng cáo ở Đà Lạt đã được một số tiểu thương bán tràn lan ở Hà Nội, giá chỉ 150.000 - 200.000 đồng/kg.

Gần đây, dọc các tuyến phố Trần Thái Tông, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương kéo dài,ở Hà Nội… có nhiều người bán dâu tây dạo trên vỉa hè. Loại dâu này được quảng cáo là hàng Đà Lạt, giá chỉ 150.000 đến 200.000 đồng/kg. Theo một chủ hàng trên đường Trần Thái Tông, đây là dâu tây chính gốc Đà Lạt (Lâm Đồng). Do đầu mùa ít hàng nên giá cao hơn thời điểm vào mùa từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg.

Chị Hương Giang, một nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, cả gia đình rất thích ăn dâu tây. Nhưng rút kinh nghiệm hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc như mọi năm nên chị chờ dâu vào chính vụ mới mua. Chị chia sẻ, năm nào cũng thế, từ nho xanh Ninh Thuận, cam Hà Giang, mận Mộc Châu đến đào Sơn La,… khi ở Việt Nam chưa vào chính vụ thì hàng Trung Quốc đã bán tràn lan, rẻ chưa bằng một nửa giá trong nước. Vì vậy, cứ thấy người bán quảng cáo hàng đặc sản vào trái vụ chị lại dè chừng.

Muốn mua dâu tây về làm hoa quả dầm và bánh kem nhưng chị Trần Hiền (Xuân Thủy, Cầu Giấy) phân vân không biết mua ở đâu. Theo chị Hiền, tại các siêu thị hay shop hoa quả sạch hiện chưa bán dâu tây Đà Lạt. Một số cửa hàng bán dâu tây ngoại nhập nhưng giá rất đắt, 400.000 - 500.000 đồng/kg. Bắt gặp nhiều hàng dâu tây ghi nguồn gốc ở Đà Lạt bán trên vỉa hè, giá 150.000 - 170.000 đồng/kg nhưng chị không dám mua. Theo chị biết, dâu tây Đà Lạt vào chính vụ bắt đầu từ giữa tháng 12, còn hơn 1 tháng nữa mới có. Do vậy, những loại dâu bán ngoài đường giá rẻ, chị hoài nghi hàng nhái Đà Lạt.

Một người bán loại quả này trên phố Cầu Giấy cho biết, mấy ngày nay, khách hỏi hàng nhiều hơn mua. Thậm chí, một vài khách hàng dừng lại hỏi mua, rồi tỏ ra nghi ngại là dâu Trung Quốc nên bỏ đi. Mỗi ngày chị bán lẻ được khoảng 10 - 20 kg, còn phần lớn đổ buôn cho các quán cà phê, hoa quả dầm, giá cũng chỉ thấp hơn vài chục nghìn so với bán lẻ. “Ở đây chỉ bán dâu tây ở Đà Lạt chứ làm gì có dâu tây Trung Quốc như người ta nói. Giá 150.000 đồng, không hơn kém hay mặc cả”, chị này khẳng định.

Chị Trang, chủ cửa hàng hoa quả sạch ở Hoàn Kiếm cho biết, thời điểm tháng 12 đến tháng 4, dâu tây Đà Lạt ngon và rẻ hơn, xuống thấp nhất chỉ 250.000 đồng/kg. Giá nhập dâu tây tại Đà Lạt hiện giờ là 250.000 đồng/kg, nhưng số lượng rất hạn chế. Nên nếu tính thêm giá vận chuyển, rủi ro, thuê mặt bằng thì mức bán ra 300.000 đồng/kg là mức giá khá rẻ.

Dâu tây 20.000 đồng/lạng bán ở Hà Nội có phải hàng Đà Lạt? ảnh 1

So sánh dâu tây Đà Lạt với dâu tây Trung Quốc. Ảnh: Chi Cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng.

Theo anh Khanh, một người chuyên cung cấp dâu tây tại Đà Lạt thì loại trồng dưới đất quả trắng, chua và không được ngon. Giá bán buôn loại này dao động 90.000 - 150.000 đồng/kg. Dâu trồng trên giàn là loại dâu sạch, theo phương pháp thủy canh với công nghệ cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán buôn 220.000 - 280.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị, dâu sạch thường bán giá 320.000 - 380.000 đồng/kg. Anh cho biết, hiện dâu tây ở Đà Lạt có nhiều giống khác nhau như trồng đất, New Zealand (264.000 đồng/kg), Mỹ đá (130.000 - 150.000 đồng/kg), Nhật hương (330.000 đồng/kg). Anh Khanh cho biết, thời điểm chính vụ của dâu tây Đà Lạt vào giữa tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Thời điểm nở rộ, dâu Mỹ (loại phổ biến) giá chỉ rẻ hơn một chút, loại New Zealand và Nhật hương rất hiếm nên mức giá không thay đổi. Mấy năm gần đây do áp dụng công nghệ sinh học nên dâu tây có quanh năm. Tuy nhiên, hiện số lượng các loại dâu tây Đà Lạt rất ít, không đủ cung ứng cho các nơi, đặc biệt khu vực miền Bắc.

Chị Lê Thị Thanh Nga, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, một số đặc điểm phân biệt dâu tây Trung Quốc và dâu tây Lâm Đồng: "Dâu tây Đà Lạt quả không đồng đều, vừa phải, không quá to. Hơn nữa, dâu Đà Lạt ăn rất mềm, không cứng và mịn như dâu Trung Quốc. Màu sắc quả dâu ta không đỏ đều, sậm màu ở thân và phần cuống hơi trắng, thịt ruột bên trong có màu đỏ nhạt, trắng đan xen. Khi ăn, dâu có vị chua vừa phải, thanh và nếu để 2 ngày sẽ bị thâm, lá héo và cuống thâm lại. Trái ngược với dâu Trung Quốc trái to đều, màu đỏ thậm, để 7 - 10 ngày vẫn còn tươi".

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG