Thông tin trên được Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM công bố tại Hội nghị khoa học thường niên tổ chức ngày 16/12/2023. Cụ thể, trong 33 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận 57 trường hợp, độ tuổi trung bình là 67, đến thăm khám và được chẩn đoán bị viêm tai ngoài hoại tử.
Qua thống kê của nhóm nghiên cứu tại bệnh viện ghi nhận, 75% bệnh nhân có bệnh lý đái tháo đường, 61% bệnh nhân bị tăng huyết áp, ngoài ra một số người bệnh có tiền căn bị suy thận, ung thư. Thực tế thăm khám của các bác sĩ cho thấy, tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng lâm sàng là tình trạng đau tai, cơn đau thường dữ dội hơn về đêm. Kết quả kiểm tra hình ảnh ghi nhận, tất cả bệnh nhân đều bị hủy xương ống tai ngoài và viêm lan vào tai giữa.
Một cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM (ảnh: BVCC) |
Theo BS Dương Thanh Hồng, Bệnh viện Tai Mũi Họng, viêm tai ngoài hoại tử là một bệnh lý nguy hiểm. Bệnh còn được gọi là viêm tai ngoài ác tính vì tỷ lệ tái phát và tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bác sĩ cho biết, tình trạng nhiễm trùng thường bắt đầu tại da ống tai ngoài sau đó lan vào sâu bên dưới qua rãnh giữa phần xương, phần sụn ống tai ngoài hoặc rãnh giữa các phần sụn ống tai ngoài và lỗ thông từ phần trước dưới xương ống tai ngoài vào phía sau trong khớp thái dương hàm. Bệnh nhân sẽ bị viêm mô tế bào ống tai ngoài, viêm sụn và viêm xương, cuối cùng tiến triển thành cốt tủy viêm xương thái dương.
Nếu bệnh không được điều trị, cốt tủy viêm xương thái dương sẽ tiếp tục lan vào sàn sọ gây cốt tủy viêm xương sàn sọ và lan qua các cấu trúc lân cận như các thần kinh sọ, lỗ tĩnh mạch cảnh trong, xoang sigma, vòm, khớp thái dương hàm, khoang cơ cắn, tuyến mang tai. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) hoặc vi khuẩn.
Bệnh nhân bị viêm tai ngoài hoại tử thường được điều trị phối hợp giữa kháng sinh và rửa tai mỗi ngày. Những trường hợp diễn tiến nặng sẽ có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ tái phát chung của viêm tai ngoài hoại tử đang ở mức cao chiếm 15-20% số bệnh nhân. Nguy hiểm hơn, những biến chứng của viêm tai ngoài hoại tử có thể khiến gần 20% bệnh nhân tử vong.
Từ thực tế trên, các bác sĩ cảnh báo đái tháo đường là yếu tố nguy cơ thường gặp nhất của viêm tai ngoài hoại tử, bên cạnh đó là tình trạng suy giảm miễn dịch ở người lớn tuổi hoặc bệnh nhân nhiễm HIV, bệnh nhân sau cấy ghép tạng hoặc sau xạ trị ung thư. Ngoài ra, đeo máy trợ thính cũng là một yếu tố nguy cơ gây viêm tai ngoài hoại tử. Bác sĩ khuyến cáo, khi có những biểu hiện đau tai, chảy dịch tai, người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.