Đau đầu chuyện giữ Sơn Trà

Một góc Sơn Trà (Đà Nẵng).
Một góc Sơn Trà (Đà Nẵng).
TP - Ngày 7/7, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng đã bế mạc. Trong ngày làm việc cuối cùng, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến kinh tế - xã hội đã được các đại biểu đưa ra bàn luận, chất vấn.

Sơn Trà phải trả lời dứt điểm cho nhà đầu tư

Tại kỳ họp lần này, vấn đề Sơn Trà được nhiều đại biểu Đà Nẵng quan tâm nhất. Đại biểu Cao Xuân Thắng, với tư cách là Chủ tịch HĐND quận Sơn Trà, cho rằng: Quan điểm của Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã rõ, vấn đề là các dự án trên bán đảo Sơn Trà nên tồn tại bao nhiêu?

Dự án nào, quy mô ra sao? Phải có khảo sát cụ thể, trên thực địa. Không hẳn dự án dưới bình độ 200m như trước đây đã là khả thi. Nếu đi khảo sát thực tế, có một số dự án trong quy hoạch chưa phù hợp. Có những dự án nằm dưới bình độ 200m nhưng thực tế nằm trong khu vực rừng đặc dụng, là điểm sinh sống của các loại động vật quý hiếm trong đó có voọc chà vá chân nâu.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: Vấn đề bán đảo Sơn Trà mang tính lịch sử và nhận thức, tư duy của chúng ta cũng mang tính lịch sử - thời kỳ. Trước đây thành phố phải đàm phán với Bộ Quốc phòng để được kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở đây.

“Hồi đó chúng ta muốn phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà, thắp sáng Sơn Trà như Hồng Kông nên kêu gọi đầu tư và đã cấp phép 18 dự án du lịch ở đây. Còn bây giờ, khi đô thị Đà Nẵng phát triển, tư duy xã hội cũng đã tiến bộ hơn, định hướng phải bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái, sự đa dạng có một không hai của “báu vật” Sơn Trà. Chính quyền thành phố cũng nhận thức rất rõ điều này”, ông Thơ cho biết

“Nếu xây nhà cao tầng chỗ nào cũng được. Còn bán đảo Sơn Trà và những giá trị về hệ sinh thái tự nhiên ở đây có một không hai, phá đi thì không bao giờ có thể có lại được”, ông Thơ nhấn mạnh

Theo ông Thơ hiện nay bài toán khó đặt ra đối với vấn đề Sơn Trà là đã có hàng chục dự án du lịch được cấp phép đầu tư xây dựng, bây giờ phải làm sao tính toán kỹ lưỡng và phải có câu trả lời sớm với nhà đầu tư là dự án nào phải thu hồi, phải cắt giảm, quy định thiết kế hài hòa với cảnh quan sinh thái như thế nào... Phát triển du lịch nhưng không làm suy thoái giá trị của hệ sinh thái tự nhiên, sự đa dạng sinh học ở bán đảo Sơn Trà. 

“Vấn đề lớn của bán đảo Sơn Trà là phải giải quyết quyền lợi của nhà đầu tư, phải trả lời dứt khoát với họ… Đây là một thách thức rất lớn bởi nguồn lực của thành phố để bồi thường cho các nhà đầu tư là không nhỏ tí nào”, ông Thơ cho biết.

Ông Thơ cũng khẳng định: Chính quyền thành phố sẽ đáp ứng nguyện vọng của người dân một cách tốt nhất, sẽ tính toán một cách khoa học, minh bạch, tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân, chứ không cuốn theo dư luận một chiều nào hết. Ông Thơ mong các đại biểu chia sẻ điều này.

Hàng loạt bác sĩ xin ra khỏi bệnh viện công

Trong phiên trả lời chất vấn ngày 7/7, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết dù được đầu tư, nhưng tình trạng quá tải tại các bệnh viện, đặc biệt tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ - sản Nhi, Bệnh viện Ung bướu đang diễn ra… nhiều bệnh viện phải kê thêm hàng trăm giường bệnh vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bài toán giải quyết quá tải tại bệnh viện đang hết sức cam go, bởi thành phố càng phát triển thì tình trạng quá tải càng tăng.

Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 bác sĩ, tỉ lệ giường bệnh là 67 giường bệnh/ 1 vạn dân. Bên cạnh hệ thống y tế công lập, hiện có 7 bệnh viện tư nhân, 5 bệnh viện thuộc bộ ngành và 20 phòng khám đa khoa, 600 phòng mạch tư. Nguyên nhân quá tải là do ngoài phục vụ cho nhân dân Đà Nẵng, các cơ sở y tế còn phục vụ cho nhân dân miền Trung-Tây Nguyên với tỉ lệ trung bình là 30%. Riêng Bệnh viện Ung bướu, tỉ lệ người bệnh ngoại tỉnh là 70%.

Cùng với quá tải bệnh viện, việc “chảy máu” nhân sự các bệnh viện công cũng đang đặt ra nhiều lo ngại cho công tác khám chữa bệnh của người dân.

Bà Yến cho hay: Từ khi một số bệnh viện tư được thành lập ngành y tế công lập đã mất 48 cán bộ y tế trong đó có 23 bác sĩ giỏi.

Theo bà Yến, ngoài lý do lương, thu nhập còn nhiều lý do khác chưa nắm hết. Việc giữ chân bác sĩ là rất khó bởi đi hay ở là quyền của họ. Tuy nhiên Sở đã có báo cáo với thường trực Thành ủy và UBND TP về vấn đề này. Và đã quán triệt tinh thần với các bệnh viện. “Hy vọng con số 23 bác sĩ sẽ dừng lại ở đây”, bà Yến nói.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa nhận đang có hiện tượng bác sĩ giỏi của thành phố ra đi về một số bệnh viện tư nhân. Ông Thơ cho biết trước vấn đề ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của cả triệu dân, ông đã trực tiếp gặp  lãnh đạo một số bệnh viện tư yêu cầu cố gắng làm đúng như cam kết trước khi xin phép đầu tư.

Theo ông Thơ, trước đây khi các bệnh viện tư vào, thành phố đã ưu đãi. Các nhà đầu tư cam kết sẽ đi tìm kiếm bác sĩ giỏi của cả nước đầu quân về đó để xây dựng một bệnh viện quốc tế. Giờ cam kết phải làm đúng y như vậy. Không thể làm xong rồi, họ lại đến bệnh viện công gọi mời, trả lương cao để lôi kéo bác sĩ. “Sau khi tôi làm việc và nói vậy, tình hình có vẻ đỡ hơn. Chúng ta cần có chế độ hỗ trợ, cố gắng giữ đội ngũ bác sỹ ở bệnh viện công”, ông Thơ cho biết.

Miễn nhiệm chức Phó chủ tịch đối với ông Đặng Việt Dũng

Chiều 7/7, ông Đoàn Xuân Hiếu, Chánh văn phòng HĐND TP Đà Nẵng cho biết: Trưa 7/7, HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết thông qua việc miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đối với ông Đặng Việt Dũng với tỉ lệ tán thành 100%. 

MỚI - NÓNG