Chị Hà Thị Hồng, 37 tuổi, là nhân viên văn phòng. Chị có hai con nhỏ, nên mỗi sáng dậy chị quẩn quanh lo cho hai con ăn uống, rồi đưa đến lớp là hết thời gian. Sáng nào chị cũng trong tình trạng tới cơ quan muộn nên không còn thời gian để dành cho bữa sáng. Lâu dần thành quen nên trong chế độ ăn của chị Hồng không tồn tại bữa ăn này. Thời gian gần đây chị thường xuyên có cảm giác chán ăn, hay bị ợ nóng, chướng bụng, ăn đồ ăn lạ đôi khi có cảm giác buồn nôn, thỉnh thoảng cũng xuất hiện những cơn đau cồn cào ở bụng trên.
Đi khám chị mới phát hiện ra mình bị viêm dạ dày thể nhẹ. Khi trao đổi với bác sỹ để tìm nguyên nhân gây bệnh, có một lưu ý của bác sĩ làm chị kinh ngạc, đó là việc bỏ bữa sáng thường xuyên làm mất cân bằng chế độ ăn uống và môi trường acid trong dạ dày do dịch vị tiết ra không được trung hòa là một phần nguyên nhân. Do vẫn quan niệm bữa sáng là bữa phụ nên chị rất bất ngờ trước vai trò của “bữa phụ” này.
Chủ quan “bữa phụ”, rước họa vào dạ dày
Bạn có biết? Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bơ sữa (Mỹ) thì bữa sáng cung cấp khoảng 17% lượng calories hàng ngày. Cùng với đó là nhiều dưỡng chất khác như vitamin D (58%), vitamin B12 (42%), vitamin A (41%). Ngoài ra, người không ăn sáng dễ tăng cân hơn và có nhiều thói quen có hại cho sức khỏe như: xu hướng dùng thêm khoảng 40% kẹo ngọt, 55% nước ngọt, ăn ít hơn 45% rau củ, 30% trái cây. |
Phóng viên SKGĐ đem vấn đề này trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) thì được PGS Lâm cho biết: Sau một đêm khoảng 8-10 giờ, lượng thức ăn trong cơ thể từ bữa tối hôm trước đã được tiêu hóa hết, nhưng dịch vị dạ dày vẫn tiết ra đều.
Bình thường dịch vị sẽ trộn lẫn với thức ăn để giúp tiêu hóa chúng, môi trường dạ dày được trung hòa, nhưng nếu bạn không ăn sáng dạ dày sẽ trống rỗng, dịch vị được tích tụ lại sẽ làm cho môi trường dạ dày là môi trường chua, gây tổn hại đến thành dạ dày, dễ gây viêm loét như trường hợp của chị Hồng trên.
Còn với những người đã bị đau dạ dày thì việc bỏ bữa sáng càng làm cho tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Dịch vị được tiết ra nhiều mà không có thức ăn để trộn lẫn sẽ tác động đến các vết viêm trước đó, gây tổn thương chúng dẫn đến xuất hiện các cơn đau. Nếu việc này xảy ra thường xuyên thì các vết viêm loét càng bị tác động nhiều hơn, mở rộng hơn khiến bệnh dạ dày sẽ càng trở nặng.
Một số người nhịn ăn sáng nhiều nên cơ thể đã thành thói quen, đến bữa sáng sẽ không cảm thấy đói và họ cho rằng như vậy thì dịch vị dạ dày sẽ không tiết ra nữa, sẽ không có tổn hại gì cho cơ thể.
Thực tế là dạ dày liên tục tiết ra dịch vị chứ không ngừng, nếu tạo cho cơ thể thói quen không ăn sáng thì thời điểm bữa sáng lượng dịch vị tiết ra sẽ ít hơn người khác, nhưng dịch vị được tích tụ trong thời gian dài cũng làm đầy dạ dày và làm tổn thương chúng, gây tình trạng viêm loét như thường.
Vì vậy, để phòng tránh bệnh dạ dày thì có một thói quen hàng ngày mà bạn nên chú ý, đó là không nên bỏ bữa sáng.
Ăn sáng giúp tỉnh táo và sáng suốt hơn
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm: Không ăn sáng không những tác động đến hệ tiêu hóa, gây bệnh dạ dày mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu suất làm việc, học tập trong ngày...
Sau một giấc ngủ dài, lượng đường trong máu đã xuống thấp, vì vậy cơ thể cần được bổ sung năng lượng để có sức khởi động ngày mới. Bữa sáng cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng, kích thích các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường trở lại, giúp chúng ta có sức khỏe, tỉnh táo khi làm việc. Bữa sáng cũng giúp cung cấp đường glucose cho não bộ hoạt động, giúp chúng ta làm việc tốt hơn, tỉnh táo hơn, với học sinh sẽ tiếp thu bài vở tốt hơn.
Nếu chúng ta không ăn sáng, cơ thể không được bổ sung thực phẩm để chuyển hóa thành năng lượng, hậu quả là cơ thể phải dùng đến năng lượng dự trữ từ ngày hôm trước để duy trì hoạt động bình thường. Đặc biệt nguy hiểm với nhóm người có chỉ số đường huyết thấp, thường hay bị tụt huyết áp.
Có một số ý kiến cho rằng buổi sáng cơ thể vẫn cần thời gian để thải độc tố từ cơ thể và từ những thức ăn không lành mạnh của bữa tối hôm trước.
Do đó, việc ăn sáng sẽ vô tình làm ngừng quá trình thải độc này do cơ thể phải tiêu hóa thức ăn bạn mới ăn vào. Tuy nhiên, PGS Lâm cho biết, cơ thể luôn luôn thực hiện quá trình thải độc tố, ngay cả khi đang tiêu hóa thức ăn, vì vậy quan điểm trên là chưa chính xác.
Với người phải làm việc liên tục trong thời gian dài sẽ không dễ dàng bổ sung bữa ăn nhẹ trong lúc đang làm, với người lao động chân tay mất nhiều sức… nếu không ăn bữa sáng khiến cơ thể mất nhiều năng lượng nhưng lại không được bổ sung dẫn đến hậu quả là tai nạn lao động, hạ huyết áp, ngất xỉu…
Với người lao động trí óc, học sinh, sinh viên, không bổ sung bữa sáng đồng nghĩa với việc không bổ sung đường glucose cho não bộ hoạt động sẽ khiến họ mất tỉnh táo, làm việc, học tập kém hiệu quả.
Vào bữa sáng bạn chỉ không nên ăn quá sớm, ăn vào khoảng 6h30-7h30 là hợp lý. Nếu bạn thức dậy muộn hơn thì có thể ăn bữa sáng muộn hơn một chút.
Bữa sáng của bạn nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa trứng, sữa, rau quả tươi, nước hoa quả… Chế độ ăn nên cân bằng bốn nhóm dưỡng chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất để đảm bảo cho cơ thể khởi động tốt nhất.
Bữa sáng không nên ăn những thức ăn khó tiêu như đồ chiên rán, bánh ngọt, thức ăn nhanh, không nên uống nhiều cà phê… vì sẽ tạo áp lực cho dạ dày khiến cơ thể cũng trở nên khó chịu, làm việc mất tập trung.