Đất sống của “thần y”

Đất sống của “thần y”
TP - Khi lâu lâu lại thấy báo chí phản ánh nơi này nơi kia có thầy bà nọ “có thể chữa bách bệnh” bằng các phương pháp nghe như một thứ dị giáo (cho uống “thuốc thánh”, dẫm đạp lên thân thể bệnh nhân, truyền “công lực”…), chắc chắn không ít lần người ta tự hỏi: vì sao đến thế kỷ thứ 21 rồi mà vẫn còn những người mông muội, tin vào những thứ nhảm nhí đến thế?

Nhưng sự vô lý ấy vẫn tồn tại ở nhiều nơi trong cả chục năm nay chứng tỏ đất sống cho nó vẫn có người cấp thẻ đỏ. Có thể thấy, hiện tượng “thầy bà”, “thần y”xuất hiện khắp nơi ở nước ta: nào là thần y Tiên, vốn làm nghề chăn vịt ở xã Yên Kiện, Đoan Hùng, Phú Thọ bỗng chốc trở thành “thầy thuốc” chữa bệnh bằng mấy loại rễ cây lăng nhăng, rồi “thầy” Năm ở huyện Tây Hòa, mới 4 tuổi bỗng dưng thành “thầy”.

Cách chữa bệnh của “thầy” Năm cũng kỳ lạ như việc cu Năm trở thành “thầy”: dùng một cây bút chì, ai đau bệnh ở đâu thì chỉ vô đó, vậy là xong. Nhưng điều kỳ lạ là số người tin tưởng “quyền năng” của cây bút chì trong tay cu Năm (tên thật là Huỳnh Tuấn Anh) không phải ít. Những tưởng chuyện “thần y” chỉ xuất hiện ở những vùng nông thôn, nơi trình độ dân trí được coi là thấp hơn, nhưng không: theo phản ánh của phóng viên Tiền Phong, ngay giữa thành phố Đà Nẵng, người dân vẫn nườm nượp tìm tới “thầy” Thiết để được thầy chữa bệnh bằng bùa chú! Các con bệnh, rất đáng ngạc nhiên, là có đủ nam, phụ, lão, ấu, từ dân lao động đến cả những người được coi là trí thức.

Các “thần y” liên tiếp xuất hiện, tuy phương pháp chữa bệnh rất khác nhau nhưng cùng chung ở một điểm là chả dựa trên cơ sở khoa học nào. “Đất sống” của những “thầy bà”kiểu này chắc chắn bắt nguồn từ sự mê muội của một bộ phận dân chúng. Nhưng vấn đề đặt ra là trong xã hội hiện đại ngày nay, khi công nghệ thông tin và internet đã hiện diện khắp mọi người, vì sao những chuyện nhảm nhí ấy vẫn tồn tại?

Tuy không thể lý giải sự tồn tại của hiện tượng “thầy bà” bằng cách đổ hết tội cho sự yếu kém của hệ thống y tế cơ sở, vì còn phụ thuộc vào thái độ của xã hội đối với những chuyện siêu nhiên, ma quỷ, cõi âm… nhưng việc một số người dân tìm đến với “các đấng siêu nhiên” và những “cơ sở chữa bệnh” kiểu này vẫn không ngừng mọc ra ít nhất cũng cho thấy rằng, niềm tin của người dân vào hệ thống y tế chính thống đang bị suy giảm. Khi niềm tin bị khủng hoảng, cộng với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, kèm theo đó là sự quan liêu, thiếu sâu sát của chính quyền cơ sở, cũng như hệ thống y tế được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, cộng thêm thói hám lợi và chiêu dụ mị của một số người, những chuyện chữa bệnh bằng bùa chú, phép thuật thậm vô lý hoàn toàn có lý do để tồn tại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG