Đất nước từ những chuyến đi

Đất nước từ những chuyến đi
TP - 1. Trong mỗi thời đại, người trẻ có cảm nhận về tình yêu, trách nhiệm đối với đất nước theo những cách riêng và luôn gắn với những chuyến đi. Những năm tháng đạn bom, đất nước trong những người trẻ là sự hy sinh son sắc và họ lên đường cho ngày thống nhất, hòa bình. 

Nay, đất nước trong người trẻ là dấn thân trải nghiệm và khám phá. Trong những hành trình đó, họ đã, đang nối dài những yêu thương san sẻ với những mảnh đời bất hạnh, chung tay đổi đời vùng đất nghèo khó.

Họ cũng không ngủ quên trong những chiến thắng, vinh quang. Những ngày biển Đông dậy sóng, những người trẻ là Cảnh sát biển, Kiểm ngư viên, ngư dân… kiên cường, mưu trí, vượt mọi khó khăn để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 


Nhiều tấm gương đã xuất hiện, tiêu biểu ngư dân Bùi Văn Phải, Nguyễn Đức Vỹ; thuyền trưởng tàu Kiểm ngư KN765 Phạm Thành Trung; đại úy Lê Thành Trung, thuyền trưởng tàu CSB 4033… Họ sẵn sàng làm tất cả vì Tổ quốc, vì nhân dân. Trong lần giao lưu tại báo Tiền Phong, thuyền trưởng tàu Kiểm ngư KN765 Phạm Thành Trung kể khi lên đường làm nhiệm vụ ngăn cản việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, anh động viên gia đình và đồng đội rằng, đời người chỉ có một lần sinh tử và “đời bố không đi chẳng nhẽ để đời con?”. 

Đại diện cho những du học sinh, đại biểu Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác 2014 Lê Ngọc Vinh cho hay: “Mỗi du học sinh nước ngoài là nhà bán ngoại giao để quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài cùng với Đại sứ quán”. Cùng với nhiều hoạt động giới thiệu về văn hóa, phong tục, du học sinh tổ chức hoạt động hướng về đất nước những ngày biển Đông dậy sóng.

2. Những chuyến đi là dịp để người trẻ ý thức hơn giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc và giới thiệu hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.

Trong lần trao đổi với sinh viên về tuổi 20 gắn với chủ đề “Tôi và Đất nước” gần đây, nhà văn Trang Hạ đặt vấn đề những người trẻ cần chủ động tìm tòi thêm những nét đặc trưng mới của Việt Nam để hiểu hơn và giới thiệu cho bạn bè quốc tế, thay vì những mặc định Việt Nam - áo dài, nón lá, phở. 

“Cách đây 10 năm, mình bắt đầu tham gia tổ chức các tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Đó là lần đầu tiên mình nghĩ đến tầm vóc của Việt Nam, nghĩ đến hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Khi đó, mình đã tổ chức chuỗi các tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, mà trong đó không có áo dài và nón lá”, nhà văn Trang Hạ chia sẻ. 

Sau những di tích lịch sử, văn hóa và bảo tàng, du khách nước ngoài ngày càng muốn hiểu chân thực về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam gắn với cuộc sống sinh hoạt và lao động thường ngày. 

Mỗi gia đình trở thành một bảo tàng sinh động giữ gìn và thể hiện những nét đặc trưng về văn hóa, lịch sử, địa lý. Để làm được điều này, theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng tại tọa đàm “Tôi và Đất nước”, những người trẻ cần bắt đầu từ việc giữ gìn, xây dựng một bảo tàng trong gia đình, dòng họ… 

Từ đó, sẽ hiểu hơn về lịch sử cha ông, thêm tự hào, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ các di sản dân tộc và bảo vệ đất nước.

MỚI - NÓNG