Đặt nhân dân vào vị trí trung tâm trong mọi suy nghĩ và hành động

Bác Hồ luôn dành tình yêu thương sâu sắc cho thiếu niên nhi đồng. Ảnh: tư liệu
Bác Hồ luôn dành tình yêu thương sâu sắc cho thiếu niên nhi đồng. Ảnh: tư liệu
TP - Đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dễ dàng nhận thấy hai chữ CON NGƯỜI chiếm lĩnh mọi suy tư, trăn trở của Người, đây chính là biểu hiện đầu tiên của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, PGS.TS Lại Quốc Khánh Chủ nhiệm Bộ môn Hồ Chí Minh học, Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, khẳng định. 

Trong những suy nghĩ mang tính cách mạng đầu tiên của người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành, “cứu nước” có một nội hàm quan trọng là “cứu đồng bào”, “giải phóng dân tộc”, “giải phóng con người”. 


Cùng với việc khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. 

Ngay cả đối với Đảng, Bác cũng luôn nhấn mạnh, nói về Đảng trước hết cũng là nói về những con người, về cán bộ, đảng viên. Bác đã nhiều lần nhắc lại câu: “Đảng là người...”. Phải là người luôn đặt con người - nhân dân vào vị trí trung tâm trong mọi suy nghĩ và hành động mới có thể “mong muốn điều mà nhân dân mong muốn, hành động điều mà nhân dân hành động”.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự thấu hiểu và tình yêu thương con người sâu sắc. Trong Di chúc, ta thấy tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh thể hiện ở sự quan tâm và những việc làm thiết thực cho từng đối tượng, vì từng đối tượng. 

Tình yêu thương đối với Đảng thể hiện ở mong muốn Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững địa vị đảng cầm quyền và có đủ khả năng hoàn thành sứ mệnh mà nhân dân đã giao phó. 

Tình yêu thương đối với các tầng lớp nhân dân thể hiện ở chỗ: Đối với những người đã hy sinh một phần xương máu, phải đảm bảo cho họ có nơi ăn chốn ở, có khả năng “tự lực cánh sinh”; đối với các anh hùng liệt sĩ, phải xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm để ghi nhớ công lao của họ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân; đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), phải giúp đỡ để họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét; đối với thế hệ trẻ, phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”…

Tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô bờ bến, hướng đến mọi đối tượng không loại trừ ai. Ngay cả đối với những người trộm cắp, bán dâm, đánh bạc, buôn lậu trong xã hội miền Nam dưới chế độ cũ, Bác Hồ cũng dành tình yêu thương cho họ. Người coi họ là “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ” và chủ trương sau giải phóng, Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở thành người lao động lương thiện. 

Trong những dòng cuối cùng của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Thấu hiểu và yêu thương con người một cách giản dị, song thật sâu sắc và ấm áp tình người, đó là một khía cạnh đặc sắc trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

MỚI - NÓNG