Đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết

Trách nhiệm của đại biểu thể hiện qua lá phiếu
Trách nhiệm của đại biểu thể hiện qua lá phiếu
TP - Nói về công tác lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII tới, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương cho rằng, mỗi đại biểu khi cầm lá phiếu phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết; không để bất cứ cá nhân, lợi ích nhóm nào chi phối, tác động đến lựa chọn của mình. Chọn những người vào Trung ương phải là những người được nhân dân đánh giá cao về tư cách, đạo đức, danh dự.

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, khi nói đến việc chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đặt ra nhiều vấn đề về sự nêu gương, chấp hành các quy định của Đảng; chống các biểu hiện cơ hội; vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm... Điều này, có ý nghĩa thế nào trong công tác lựa chọn nhân sự, thưa ông?

Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhiều ý nghĩa sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ nói về bài học, kinh nghiệm được đúc kết qua công tác tổ chức ở đại hội đảng bộ các cấp mà còn đặt ra những yêu cầu quan trọng trong thời gian tới, nhất là trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Công tác nhân sự luôn là vấn đề “then chốt”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Nếu lựa chọn nhân sự tốt sẽ tạo ra niềm tin, sự đoàn kết để thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chính sách mà đại hội Đảng đề ra. Ngược lại, nếu lựa chọn nhân sự thiếu trong sáng, để lợi ích chi phối sẽ gây rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Cho nên khi nói về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã yêu cầu các đại biểu tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, làm ảnh hưởng đến thành công của Đại hội, ảnh hưởng đến niềm tin yêu và hy vọng lớn lao của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng ta, chế độ ta. Đó không chỉ mong muốn, yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mà còn là sự gửi gắm niềm tin của mọi người dân đối những đại biểu đi dự đại hội Đảng toàn quốc. Người dân mong muốn các đại biểu phát huy trí tuệ, sáng suốt, nhất trí với Trung ương trong việc chống các biểu hiện cơ hội; vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm..., lựa chọn được những người xứng đáng nhất vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Làm sao để lựa chọn được những nhân sự như thế, thưa ông?

Đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết ảnh 1 Ông Lê Quang Thưởng

Bàn tay có ngón dài, ngón ngắn. Cách nhìn nhận, đánh giá của mỗi người về nhân sự cũng có thể khác nhau. Do đó vấn đề quan trọng là phát huy dân chủ, trí tuệ, thảo luận, bản lĩnh để bỏ phiếu bầu những người xứng đáng nhất. Chọn những người vào Trung ương phải là những người tốt, được nhân dân tin tưởng.

Bên cạnh đó phải thực hiện đúng Điều lệ Đảng, các quy định, quy chế và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: Trước những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải giữ vững nguyên tắc, thực hiện nhất quán, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, vì lợi ích chung của Đảng, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Điều đặc biệt nữa là những người đi dự đại hội phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết; không để bất cứ cá nhân, lợi ích nhóm nào chi phối, tác động đến lựa chọn của mình.

 Nói với các đại biểu dự hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng, đặc biệt là những người lãnh đạo. Ông nghĩ sao về điều này?

Ngày trước, kinh tế đất nước còn nghèo, cán bộ nghèo và người dân cũng nghèo. Khi đó mỗi người cán bộ, đảng viên sống và làm việc đều rất coi trọng danh dự, gần gũi và gây dựng uy tín với nhân dân. Nhiều người khi về hưu rồi vẫn được dân quý, dân yêu.

Bây giờ kinh tế, xã hội phát triển, đời sống của người dân và đội ngũ cán bộ cũng khá giả hơn. Nhiều người hỏi, bây giờ có bộ trưởng, có bí thư tỉnh ủy nào nghèo không, tôi trả lời luôn là: Không. Kinh tế đất nước phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao thì cuộc sống của đội ngũ cán bộ khá lên cũng là điều tất yếu. Song đi kèm với đó những cám dỗ về vật chất và quyền lực cũng lớn hơn rất nhiều.

Nhiều người do không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền nên đã sa ngã, bị xử lý kỷ luật, cách chức, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý, kỷ luật, thậm chí có người bị tù tội. Đáng lưu ý là nhiều người trong số đó đã được “rèn luyện”, trải qua nhiều vị trí, nhiều thử thách, đi lên từ gian khó, nhưng khi được trao chức trách nhiệm vụ lớn hơn, thì không giữ được tư cách, đạo đức, danh dự của người cán bộ cách mạng.

Cho nên bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phòng ngừa, kiểm soát quyền lực, chấn chỉnh các sai phạm thì cũng phải chú ý rèn luyện, giáo dục. Việc kiểm tra, giám sát cũng phải kịp thời, không để các sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Cám dỗ vật chất bây giờ lớn hơn rất nhiều so với thời chúng tôi làm. Vì thế, Đảng phải dựa vào dân để phát huy sức mạnh trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Xin cảm ơn ông!

“Tôi muốn nhắc lại, mô phỏng một câu nổi tiếng rất xúc động, sâu sắc của nhân vật Pa-ven Cooc-xa-ghin trong truyện “Thép đã tôi thế đấy” - một tác phẩm nổi tiếng, một cuốn sách “gối đầu giường” của thanh niên, thiếu niên hồi những năm 60 - 70 của nhà văn Liên Xô (cũ) - Nhicalai Axtơrốpxki: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ”. Tôi được biết, các đồng chí ngồi đây hầu hết đều đã ít nhiều được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn và được học hành khá cơ bản. Tôi tin rằng các đồng chí có đủ trình độ, bản lĩnh, dũng khí để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nói như Pa-ven: “không hề biết sợ”. Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta hiến dâng cho sự nghiệp cao quý nhất trên đời: Vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người; để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo”. 
(Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác 
tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 19/11)

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.