Theo đó, chiều cùng ngày, ông Phạm Minh Chính đã đi thăm Nhà máy điện mặt trời Sê-rê-pốk 1 và Quang Minh (Cty Quanh Minh) tại thôn 9, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. Tại đây, ông Phạm Minh Chính nêu câu hỏi với lãnh đạo chủ đầu tư, sau khi kết thúc dự án, lúc này đã thu hồi vốn, những tấm pin mặt trời này xử lý thế nào cho đảm bảo môi trường.
Đại diện công ty trên cho biết, hiện nay ở Việt Nam chưa có công nghệ xử lý. “Để thu hồi, xử lý những tấm pin này, chúng tôi đang có kế hoạch bỏ kho và đăng ký với môi trường. Ở các nước châu Âu, xử lý pin mặt trời rất tốn kém. Toàn bộ khung nhôm và kính này được thu hồi hết để tái tạo. Tại dự án của chúng tôi, qua 2 năm vận hành, những tấm kính và tấm pin chưa có biểu hiện hư hỏng”, lãnh đạo Cty Quanh Minh nói.
Ông Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo công ty này, về lâu dài phải nghiên cứu cách xử lý những tấm pin này, sau 20 năm sử dụng. “Phải xử lý làm sao để không ảnh hưởng đến môi trường. Thử tìm hiểu xem, ở các nước khác họ làm thế nào? Công nghệ hiện nay xử lý thế nào?... Trên có sở đó mới giải quyết được bài toán môi trường. Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, ông Chính nói.
Ông Phạm Minh Chính cho rằng, những nơi sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả thấp, có thể tận dụng phát triển năng lượng mặt trời. “Một ha sản xuất nông nghiệp chỉ được 30-40 triệu đồng/ năm, trong khi sản xuất năng lượng được 3 tỷ đồng/năm. Muốn làm được điều này, địa phương phải quy hoạch được đất đai, nơi nào sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thì có thể chuyển đổi sang sản xuất năng lượng mặt trời. Nhà nước phải làm tốt bài toán quy hoạch để chuyển tải, tiêu thụ hài hoà, giá cả hài hoà trên lợi ích giữa nhà đầu tư, nhà nước và nhân dân”, ông Chính cho biết.
Thăm tại Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch Sê-rê-pốk 3 (HTX Sê-rê-pốk 3), ông Phạm Minh Chính đề nghị, HTX nói riêng và tỉnh nói chung cần có phương án, kế hoạch cụ thể để xây dựng thương hiệu trái cây như cam, quýt, bưởi da xanh. Khi các loại cây này phát triển ổn định trên vùng đất mới, khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thì thị trường tiêu thụ cũng tự khắc tìm đến.
“Để phát triển ổn định và hiệu quả dài lâu, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà: “Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Ngân hàng”. Vai trò của Nhà nước là phải quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng; phải tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, có liên kết đầu ra nông sản ổn định. Nhà khoa học phải tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhà nông cũng phải nỗ lực hơn nữa, sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao hiệu suất lao động trên cùng một diện tích đất; tích cực cải thiện mẫu mã, bao bì sao cho bắt mắt, thu hút người tiêu dùng”, ông Phạm Minh Chính cho biết.
Cũng theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, các doanh nhiệp trên địa bàn nên có sự liên kết chặt chẽ với người dân, cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm.
Nhân chuyến công tác tại Đắk Lắk, ông Phạm Minh Chính và đoàn công tác còn đến thăm hỏi và tặng quà gia đình liệt sĩ tại xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột.