Việt Nam chưa thể tái chế pin mặt trời

Việt Nam chưa thể tái chế pin mặt trời
TP - Do quy trình công nghệ chưa có và nếu có thì chi phí sẽ rất đắt nên Việt Nam chưa thể tái chế pin mặt trời. Thay vào đó, pin mặt trời thải loại ở Việt Nam sẽ được phân tích, nhằm xác định thuộc nhóm chất thải thông thường hay chất thải rắn nguy hại, để có biện pháp xử lý phù hợp.

Đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo một số nghiên cứu trên thế giới, việc sử dụng pin năng lượng mặt trời có thể gây ra một số tác động về môi trường như chiếm diện tích đất và gây ô nhiễm nhiệt, tác động đến thị giác của con người.  Sản xuất pin của tấm pin năng lượng mặt trời sử dụng một số kim loại nặng như Cd, Si có ảnh hưởng nhất định đến khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Về tổng thể, pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng. Pin năng lượng mặt trời cũng phát sinh khí thải độc hại có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của con người trong trường hợp xảy ra cháy.

Đại diện Tổng cục Môi trường cũng cho biết, thực chất tấm pin năng lượng mặt trời là sản phẩm có chức năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời (quang năng) và chuyển hóa thành điện năng, khác về tính chất với các loại pin, ắc quy khác là có chức năng tích điện. Do vậy, tấm pin năng lượng không thuộc danh sách chất thải nguy hại.

Vì vậy, khi pin mặt trời thải loại, chủ cơ sở sẽ phải lấy mẫu phân tích, nếu có chỉ tiêu chất thải nguy hại vượt ngưỡng sẽ xử lý theo quy trình của chất thải nguy hại, nếu là chất thải thông thường sẽ xử lý theo quy trình của chất thải thông thường, phương pháp chủ yếu hiện nay là chôn lấp.

Theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực môi trường, thành phần chính của các tấm pin mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Tỷ lệ tái chế, tái sử dụng có thể lên đến 80%. Tuổi thọ trung bình của các tấm pin năng lượng mặt trời từ 10 đến 20 năm, tùy thuộc vào địa điểm và môi trường khu vực triển khai dự án.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa thể tái chế pin mặt trời do đầu tư chi phí lớn và chưa có công nghệ. Ngay cả trên thế giới cũng chỉ có một số nước tái chế pin mặt trời. Vì vậy, phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay là chôn lấp hợp vệ sinh, điều này có thể gây ra áp lực với quỹ đất hạn chế, không thể chôn lấp mãi. Về lâu dài, các đơn vị sản xuất điện mặt trời sẽ buộc phải tái chế.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, Sau khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu Chính phủ đưa tấm pin mặt trời vào danh mục sản phẩm mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện thu hồi, tái chế theo quy định, đồng thời luật cũng tạo hành lang để tái chế, tái sử dụng các phần có ích từ pin năng lượng mặt trời.

MỚI - NÓNG