Đập lớn nhất Syria - điểm tựa quyền lực của IS

Đập Tabqa ở Syria. Ảnh: shrc.org.
Đập Tabqa ở Syria. Ảnh: shrc.org.
Nhà nước Hồi giáo đang sử dụng đập Tabqa ở Syria làm át chủ bài chiến lược, với niềm tin rằng Mỹ sẽ không ném bom nó vì lo ngại thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra nếu đập vỡ.

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hiện sử dụng Tabqa, đập lớn nhất Syria, làm nơi nương náu cho các thủ lĩnh cấp cao và giam giữ các tù nhân giá trị, theo Wall Street Journal.

Nếu con đập này bị phá hủy, tình trạng ngập lụt sẽ diễn ra trên nhiều khu vực rộng lớn của Iraq. Điều này cũng có nghĩa miền đông Syria có nguy cơ bị cắt điện hoàn toàn, phó giáo sư Ariel Ahram thuộc Đại học Bách khoa Virginia, Mỹ, cho biết. "Đó là một thảm họa sinh thái cho Iraq và là một tai họa nhân đạo đối với Syria". Ông Ahram từng đến nhiều con đập ở Trung Đông để nghiên cứu về vấn đề an ninh và phát triển.

Biểu trưng quyền lực

Đập Tabqa, cao 61 m, dài gần 5 km, nằm cách Raqqa, thủ phủ của IS ở Syria, 43 km về phía tây, bị phiến quân chiếm đóng từ năm 2013. Được xây dựng với sự giúp đỡ của Nga vào thập niên 1970, con đập này kiểm soát dòng chảy của sông Euphrates vào đông nam Syria và miền bắc Iraq. Đập đã tạo ra hồ chứa nước Assad lớn nhất Syria với độ dài khoảng 80 km.

Theo bình luận viên Damian Paletta, các con đập ở những vùng khô cằn của Iraq và Syria là biểu trưng của quyền lực. Hiện có ít nhất 11 con đập lớn kiểm soát dòng chảy của sông Euphrates ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq. Nhiều con đập trong số đó cung cấp nước tưới tiêu và sản xuất điện cho những vùng mà thiếu chúng thì dân cư không thể sinh sống.

IS gần đây đã hạn chế dòng chảy từ đập Tabqa, cắt đứt nguồn nước cung cấp cho người dân ở tỉnh Anbar của Iraq, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay. Theo một quan chức thuộc tổ chức vận động chống IS Sound & Picture ở Syria, IS chủ yếu bố trí các tay súng nước ngoài tại những chốt kiểm soát bao quanh con đập này để canh giữ và ngăn người dân tiếp cận.

"IS còn giam giữ rất nhiều tù binh quan trọng ở đây", ông này cho biết thêm.

Nhà chức trách Mỹ nắm rõ nhất cử nhất động của IS tại đập Tabqa. Họ đang lo ngại về việc làm sao để duy trì hoạt động của nó cũng như nguy cơ IS dùng đập làm một căn cứ chiến lược.

Một số nhà phân tích Trung Đông và các quan chức Mỹ còn sợ rằng khi cảm thấy quyền lực rời xa khỏi tầm tay, IS sẽ không ngần ngại đặt bom phá đập.

"Tất nhiên người ta sẽ phải lo lắng rồi", Aaron Wolf, chuyên gia về chính sách nguồn nước, giải quyết xung đột và địa chính trị Trung Đông thuộc Đại học bang Oregon, Mỹ, nhận xét. "Bạn không bao giờ muốn những kẻ như thế nắm quyền kiểm soát các tuyến huyết mạch của khu vực".

Nắm bắt được những hạn chế của Mỹ trong các sứ mệnh oanh kích, IS từ lâu đã đưa các thủ lĩnh cấp cao của tổ chức đến đóng tại những nơi mà chúng nghĩ là sẽ không bao giờ bị dội bom, bao gồm cả các con đập.

Theo một quan chức Mỹ giấu tên, vài thủ lĩnh IS từng nương náu tại đập Mosul của Iraq trên sông Tigris, trước khi lực lượng an ninh Iraq và người Kurd mở cuộc tấn công buộc IS phải rời nơi này hồi tháng 8/2014. Máy bay Mỹ đã thả hơn 12 quả bom nhằm hỗ trợ Iraq tái chiếm đập Mosul. Vì chiến dịch do lực lượng bộ binh dẫn dắt nên thiệt hại đối với con đập được giảm thiểu.

"Nếu đập này bị vỡ, đây sẽ là một thảm họa", Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó nói.

IS cũng đang tìm cách mở rộng hiện diện ở tỉnh Anbar và cố gắng để chiếm giữ đập Haditha trên sông Euphrates, miền tây Iraq, trong hơn một năm qua. Song, Mỹ, các lực lượng an ninh Iraq cùng những bộ tộc Hồi giáo Sunni đến nay vẫn bảo vệ thành công con đập này.

Đập lớn nhất Syria - điểm tựa quyền lực của IS ảnh 1

Vị trí đập Tabqa và hồ Assad. Ảnh: World Bulletin.

Khó khăn

Giới chuyên gia cho rằng giành lại đập Tabqa từ tay IS sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc lấy lại đập Mosul hoặc bảo vệ đập Haditha. Nguyên nhân chủ yếu là vì Syria hiện không có lực lượng bộ binh đoàn kết để triển khai những chiến dịch như vậy.

Mỹ cùng đồng minh đã thực hiện hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của IS ở Syria và Iraq trong hai năm qua. Nhưng các quan chức quân sự Mỹ vẫn thận trọng tránh các địa điểm mà họ cho là có khả năng gây ra thiệt hại không mong muốn. Giới quan sát nhận định ném bom Tabqa mang đến nguy cơ làm dòng nước từ đập này tràn ra, gây lũ lụt lớn, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

"Họ đã tính toán về các hậu quả không mong muốn cũng như thương vong dân thường", Matthew Levitt, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện là giám đốc Chương trình Stein về chống khủng bố và tình báo thuộc Viện Washington về Chính sách Cận Đông, đánh giá. Đã có lúc nhà chức trách Mỹ đặt câu hỏi về việc "cần sử dụng một quả bom lớn đến đâu" để không kích các mục tiêu IS tại đập Tabqa.

Ở Syria và Iraq, nơi có những khu vực sa mạc khô cằn rộng lớn, các con đập tượng trưng cho sức mạnh, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, theo WSJ. Khu vực nằm giữa sông Tigris và Euphrates, còn được gọi là Mesopotamia, theo tiếng Hy Lạp nghĩa là Lưỡng Hà, được xem như một trong những nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại. Con người từ hàng nghìn năm nay đã nỗ lực để khai thác và tận dụng triệt để nguồn tài nguyên của hai con sông này.

Các đập thủy điện ở Haditha và Tabqa cung cấp điện và nước cho những khu vực lân cận. Kiểm soát được chúng cũng có nghĩa là giành lợi thế quyết định số phận của nhiều vùng dân cư.

"Các con đập có vai trò rất quan trọng", Hassan Hassan, chuyên gia từ Viện Tahrir về Chính sách Trung Đông ở Washington, nhận xét. "Nếu ai đó không kích chúng, toàn bộ khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Đó sẽ là một thảm họa nhân đạo khủng khiếp", ông cảnh báo.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG