Các cô gái trẻ tầm tuổi 15 ở Pháp hầu hết dành thời gian mỗi ngày để tán gẫu với bạn bè về đủ thứ chuyện như âm nhạc, phim ảnh, tình bạn, tình yêu... Nhưng Joanna thì khác.
Trong khi bạn bè lướt mạng xã hội Facebook và "chat chit" trên các ứng dụng trò chuyện qua mạng như Snapchat hay WhatsApp, Joanna lên mạng Internet để kiếm cho mình một hộ chiếu giả và tìm đường đến Syria.
Trong quá trình này, Joanna liên lạc với một phụ nữ có mối liên quan trực tiếp tới chuỗi vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi năm ngoái.
"Tôi đã cố tìm một cuốn hộ chiếu để đến Syria. Tôi nắm trong tay những cái tên cùng các địa chỉ liên lạc. Người phụ nữ ấy nói chuyện với tôi qua mạng xã hội và bảo rằng cô ta muốn đi cùng ai đó", CNN dẫn lời cô gái trẻ Joanna, sống ở ngoại ô Paris, kể. "Cô ta luôn muốn kiểm soát tất cả mọi việc tôi làm".
Như nhiều người Pháp khác, Joanna (không phải tên thật của nhân vật) cũng theo đạo Thiên chúa. Nhưng khi lớn lên một chút, Joanna lại quyết định cải sang đạo Hồi.
Một đứa trẻ đang tuổi lớn luôn tò mò về thế giới xung quanh. Joanna cũng thế, cô thuộc tuýp người hiếu kỳ và dễ tiếp thu mọi thứ. Joanna tỏ ra đặc biệt quan tâm tới vấn đề tôn giáo ngay từ khi còn bé.
"Nó là một đứa bé thông minh, học nói và nhớ màu sắc rất nhanh. Joanna có tính cách hoạt bát, năng nổ và cả thèm chóng chán. Lúc 6 hay 7 tuổi, nó đã tò mò về tôn giáo. Nó từng quả quyết rằng sau này sẽ làm việc trong một nhà thờ".
Nhưng theo Joanna, khi lớn lên, sự ham thích tìm hiểu về tôn giáo đã đưa cuộc sống của cô sang một hướng khác.
"Tôi từng muốn theo Thiên chúa giáo nhưng xét ở một vài khía cạnh, Thiên chúa giáo không mang lại cho tôi những gì tôi muốn. Nó không thể giải đáp các thắc mắc của tôi. Tôi không thích những truyền thống của nó, vì vậy, tôi chuyển đức tin của mình sang Hồi giáo".
Joanna cho hay việc cải đạo biến cô "thành người khác".
"Tôi có nhiều bạn bè là người Hồi giáo. Tôi đọc kinh Koran. Tôi cứ thế đọc hết trang này tới trang khác. Tôn giáo này dường như mang tới chính xác những thứ mà tôi mong muốn", Joanna chia sẻ.
Tình yêu đạo Hồi
Joanna kể, những trải nghiệm của cô với đạo Hồi, với tư cách một người cải đạo, rất khác so với những người sinh ra đã là người Hồi giáo.
"Những người sinh ra và lớn lên ở một đất nước Hồi giáo, họ không coi nó như một niềm đam mê. Nhưng với tôi, đó là thứ tôi yêu… là một niềm đam mê. Tôi không thể sống thiếu nó", Joanna nói.
Nỗi ám ảnh ấy biến Joanna trở thành con mồi "ngon ăn" cho những kẻ tuyển mộ, chuyên dụ dỗ người Hồi giáo gia nhập các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
"Tôi nhận được vô số tin nhắn từ họ. Tôi liên lạc với họ gần như hàng ngày... Họ làm cuộc sống của tôi trở nên có ý nghĩa, khiến tôi nghĩ rằng mình mang một sứ mệnh quan trọng trên Trái Đất này. Tôi thấy như mình đang được yêu, thậm chí còn nhiều hơn tình yêu thương của gia đình".
Thế nên, Joanna ngày càng trở nên cô lập với cả nhà. Vì là những người không theo đạo Hồi nên họ cảm thấy khó khăn khi lý giải vì sao Joanna lại muốn theo đạo khác. Đây chính là cơ hội tốt để những kẻ tuyển mộ lợi dụng nhằm thao túng Joanna.
"Họ hành động lén lút vì biết rõ gia đình bạn sẽ phản ứng thế nào trong tình cảnh ấy. Họ biết, khi bạn không xuất thân từ một gia đình Hồi giáo, bố mẹ sẽ không chấp nhận việc bạn quàng khăn trùm đầu hay đến nhà thờ Hồi giáo", Joanna cho hay.
"Họ biết tất cả những điều này và họ nói với bạn rằng gia đình sẽ chối bỏ bạn, sẽ ngừng yêu thương bạn. Họ bảo rằng chỉ có những người anh chị em Hồi giáo mới dành tình cảm cho bạn. Khi mối quan hệ với gia đình xấu đi, bạn sẽ lập tức theo họ".
Thiếu niên nổi loạn
Bà Jeanna (không phải tên thật của nhân vật), mẹ của Joanna, lúc đầu chỉ coi nỗi ám ảnh của con gái mình với Hồi giáo như một sự nổi loạn ở lứa tuổi thiếu niên.
"Nó tránh né mọi cuộc nói chuyện", bà Jeanna nói. "Nhiều người bảo tôi rằng đây chỉ là biểu hiện của sự nổi loạn trong những năm niên thiếu. Nhưng tôi không nghĩ vậy, đó là sự cực đoan".
Jeanna biết mọi chuyện trở nên nghiêm trọng khi Joanna gọi bà là "kẻ vô đạo". Ngay sau đó, bà gọi tới đường dây trợ giúp.
"Thật tồi tệ. Là một người mẹ, tôi thấy như mình là người có tội. Phản ứng đầu tiên của chúng tôi là cảm thấy tội lỗi", Jeanna giãi bày. "Chúng tôi cố gắng tìm hiểu tại sao con mình lại đột nhiên thay đổi như vậy. Chúng tôi nghĩ đến mọi cách có thể để ngăn điều đó xảy ra".
Nhờ sự can thiệp của mẹ, Joanna hiện được đưa vào tham gia một chương trình của chính phủ Pháp với mục tiêu giúp những người theo đạo Hồi thoát khỏi bờ vực của sự cực đoan.
Laura Bouzar, người tư vấn của Joanna, cho biết đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng.
"Thật sự rất khó để khiến họ nghi ngờ thứ mà họ từng tin tưởng", Bouzar nói. Bà cho rằng chìa khoá dẫn tới thành công là phải khuyến khích giới trẻ nghĩ cho bản thân hơn là nghe theo những lời tuyên truyền của các tổ chức cực đoan tôn giáo.
"Các em ấy tưởng IS là người tốt, còn chúng tôi là kẻ xấu. Chúng tôi ở đây để giúp các em nghĩ lại. Chúng tôi ở đây để khiến các em lo lắng cho bản thân nhiều hơn và chấm dứt lối suy nghĩ cho rằng IS là một thứ gì đó tốt đẹp", Bouzar nhấn mạnh.
Ngoài việc tham gia các buổi tư vấn thường xuyên, Joanna còn phải trình diện cảnh sát mỗi ngày. Dù vậy, Joanna vẫn lo sợ một ngày nào đó cô sẽ giẫm vào con đường sai lầm mà mình đã đi. Chính vì thế, Joanna vô cùng thận trọng.
"Tôi quyết định không mua điện thoại mới. Thiếu điện thoại hay Internet, không ai có thể xúi giục tôi làm điều gì cả. Đến bây giờ, tôi cảm thấy cũng chẳng cần thiết phải dùng mạng xã hội nữa", Joanna cho hay. "Tôi sợ lúc nào đó mình sẽ thấy cô đơn và rơi vào cái bẫy ấy một lần nữa".
Con đường nguy hiểm
Hai thiếu nữ Áo bỏ nhà sang Syria để gia nhập IS. Ảnh: Interpol
Joanna giờ đây phân biệt được sự khác nhau giữa Hồi giáo và IS. "Tôi không còn quan tâm đến IS nữa. Đó là một giáo phái, không liên quan gì đến đạo Hồi", cô nói. "Những ngày này, tôi đang học các truyền thống của Hồi giáo cũng như những điều tốt đẹp mà nó mang lại".
Tuy nhiên, Joanna thấy lo lắng cho những người khác. Giống như cô trước đây, tính tò mò và dễ bị tổn thương có thể dẫn họ vào một con đường nguy hiểm.
"Bất kỳ ai cảm thấy hoài nghi về bản thân cũng sẽ dễ dàng bị mắc bẫy" Joanna nói. "Những kẻ tuyển mộ chiến binh luôn biết cách sử dụng lời ngon ngọt để lôi kéo. Họ không hề ngu ngốc, trái lại còn rất thông minh. Họ biết cách thao túng. Thật không may là tôi đã rơi vào bẫy".
"Bạn phải cẩn thận khi dùng mạng Internet. Đừng bao giờ nghĩ đến việc tới đó, đừng nói chuyện với họ, đừng tự tạo ra những rủi ro cho bản thân. Đối với những người đã bị cực đoan hóa, hãy mở thật to mắt ra và đối diện với thực tế. Đừng bao giờ đến Syria, đó là tự sát, là con đường dẫn tới cái chết", Joanna nhắn nhủ những người có nguy cơ trở thành mục tiêu của IS.
Địa ngục
Joanna may mắn khi kịp thời nhận ra sai lầm. Nhưng Hanane, một người bạn theo đạo Hồi của cô, lại không được như thế.
Hanane (không phải tên thật của nhân vật) bị lôi kéo đến Syria vì tin vào những lời tuyên truyền của IS. Chúng hứa hẹn rằng nơi cô đến sẽ là "thiên đường" không có lòng tham hay sự đố kỵ. Song, tất cả chỉ là giả dối. Hanane đã mắc kẹt trong địa ngục.
Khi Hanane từ chối kết hôn với một phiến quân IS, chúng cầm tù, đánh đập cô. Hanane bị kết tội gián điệp. Chính những người cô từng coi là chị em nay xuống tay hành hạ cô.
"Tôi không thể hiểu nổi", Hanane nói. "Những cô gái ấy, họ nói họ yêu quý tôi. Họ khen tôi là một cô gái thông minh và quan trọng với họ. Họ mời tôi đến nhà. Chúng tôi ăn uống cùng nhau. Chúng tôi đã làm tất cả mọi thứ cùng nhau".
"Tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì sai trái với họ. Nhưng chỉ vì tôi từ chối kết hôn với một phiến quân mà họ lại muốn tôi chết".
IS mở một phiên tòa để xét xử Hanane nhưng không đủ bằng chứng để kết tội cô gái trẻ này. Sau vài tuần bị giam giữ, bằng cách nào đó, Hanane thuyết phục được viên quản ngục trả tự do cho mình. Nhưng thử thách mà Hanane phải đối mặt vẫn chưa kết thúc, ngay ca khi cô trở về được quê hương. Tại Pháp, cô bị coi như kẻ thù.
"Khi về Pháp, tôi bị coi như một kẻ chuyên tra tấn người khác, giống như một con quái vật vờ là nạn nhân. Tôi không hề làm tổn thương ai cả", Hanane khẳng định. "Người duy nhất tôi làm tổn thương là bản thân mình".
Hanane hiện bị cảnh sát giám sát. Giống như Joanna, Hanane đang tham gia chương trình tư vấn của bà Bouzar. Song, cô cho biết bản thân cảm thấy khó khăn khi làm quen với cuộc sống "bình thường".
Nhưng Bouzar khẳng định vẫn tồn tại ánh sáng cuối đường hầm cho những người đủ can đảm thoát khỏi cám dỗ của những kẻ tuyển dụng khủng bố. "Cái gì không thể giết chết bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn. Tương lai vẫn ở phía trước", bà nói.
Aqsa Mahmood, nữ sinh Anh đến Syria kết hôn với chiến binh Hồi giáo. Ảnh: Telegraph