Đào tạo 112: Tiền thật, chất lượng… 'trời ơi'

Đào tạo 112: Tiền thật, chất lượng… 'trời ơi'
TP - Vụ tiêu cực tại Đề án 112, trong đó có việc ấn định mức học phí cao bất thường khi triển khai chương trình đào tạo kỹ năng vận hành hệ thống cho cán bộ viên chức của 64 tỉnh, thành đang gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua. 

>> Mất cả trăm tỷ đồng vì mua với giá 'cắt cổ'
>> Bắt giam nguyên Phó Chủ nhiệm VP Chính phủ Vũ Đình Thuần

Đào tạo 112: Tiền thật, chất lượng… 'trời ơi' ảnh 1
Ba phần mềm dùng chung của BĐH 112 tại một cuộc triển lãm

Công nhân bậc 3/7 được bố trí làm… giảng viên chính!

Năm 2006, sau khi Tiền phong đăng bài điều tra “Học phí cắt cổ”, nhiều bạn đọc là người trong cuộc đã cung cấp nhiều thông tin rất có giá trị xung quanh vấn đề đào tạo kỹ năng tin học cho cán bộ công chức của Ban điều hành Đề án 112 (BĐH 112).

Một bạn đọc (đề nghị giấu tên) ngụ ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết: “Tôi đã từng làm giảng viên Đề án 112 của Chính phủ. Theo tôi, về mức độ tiếp thu của cán bộ công chức không tới 20% vì trình độ của giảng viên quá kém, không có khả năng truyền tải thông tin cần thiết trong đề án 112.

Tôi là giảng viên chính, ngồi dưới tôi toàn là cán bộ công chức cấp phó, trưởng phòng. Ấy vậy mà trình độ của tôi chỉ là trung cấp, tốt nghiệp trường nghề với bằng công nhân bậc 3/7, lại được Cty đưa lên làm giảng viên chính. Với trình độ của giảng viên như thế thì làm sao mà truyền tải kiến thức tới người khác được. Winword còn làm chưa xong, làm sao giảng cho người khác hiểu?

Học viên nhiều người nói thẳng với tôi: Học miễn phí thì đi cho vui, tới lớp có bánh trái để ăn và không phải nhức đầu với công việc. Học viên thì bữa học, bữa nghỉ (nhưng báo cáo là đi học đều, đúng giờ).

Dạy và học như vậy nên đến khi thi trắc nghiệm thì nhiều người không biết gì cả, giảng viên phải… làm giúp từng người nên cuối cùng ai cũng đạt 8, 9 điểm. Tóm lại, đây là chương trình lừa gạt, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được”.

Anh Trần Xuân Lâm cán bộ một đơn vị cấp Sở tại TPHCM thì bức xúc kể: “Tôi được đi học lớp do BĐH 112 tổ chức. Lớp tôi có 42 người, 1/3 cán bộ trẻ đã biết hết các phần học này nên đến ngày kiểm tra mới đến.

1/3 cán bộ mù tịt chẳng biết gì về tin học vì công việc không liên quan tin học nên đến học như “vịt nghe sấm”. 1/3 người còn lại thì học cũng được mà không học cũng được, cơ quan đưa đi thì đi “kiếm cái chứng chỉ chơi”, không quan tâm nhiều đến nội dung”.

Theo Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM, với học phí trên 2 triệu đồng/học viên/ khóa, các học viên chương trình 112 được học và thực hành 8 mô-đun môn học, trong đó có đến 6 mô-đun (gồm: Công nghệ thông tin và máy tính; sử dụng hệ điều hành MS Windows; sử dụng phần mềm soạn thảo văn bản; sử dụng phần mềm bảng tính điện tử; kiến thức cơ bản về mạng máy tính và Internet; sử dụng bộ trình duyệt Web và thư điện tử) chiếm 80% thời lượng chương trình trùng lắp hoàn toàn với kiến thức đào tạo thi chứng chỉ A (chỉ có mức học phí bình quân 300 – 400 nghìn đồng/học viên/khóa.).

Học viên nào đã có chứng chỉ A vi tính thì chỉ cần học và thực hành 2 mô-đun môn học 7 và 8 (thời lượng 4 ngày) là đã có thể sử dụng và vận hành thành thạo các hệ thống thông tin điện tử của BĐH 112.

Thiếu trung thực, bao biện

Đào tạo 112: Tiền thật, chất lượng… 'trời ơi' ảnh 2
Giáo trình đào tạo chương trình 112

Chương trình đào tạo của Đề án 112 “trời ơi” như vậy, nhưng trong văn bản 2241 ngày 5/5/2006 do ông Trương Văn Lắm, Chánh Văn phòng UBND TPHCM – Phó BĐH 112 TPHCM gửi lãnh đạo một số ban ngành T.Ư, địa phương lại khẳng định: Đây là chương trình đào tạo kỹ năng tin học dành cho đối tượng là cán bộ công chức được BĐH 112 CP biên soạn theo chuẩn quốc tế cho cán bộ hành chính (ICDL: International Computer Driving License) đã được khoảng 140 nước vận dụng. Chuẩn này luôn được cải tiến về nội dung để bảo đảm tính phù hợp với các phần mềm mới liên quan.

Chúng tôi cho rằng, BĐH 112 CP chủ trương biên soạn chương trình và giáo trình theo chuẩn này đã thừa hưởng được các kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng tin học cho các đối tượng làm việc ở các văn phòng. Vì vậy, không thể vội kết luận rằng, chương trình đào tạo dựa theo chuẩn ICDL dành cho cán bộ, công chức là Chương trình A trong khi chưa được nghiên cứu kỹ càng.

Số liệu thống kê dựa trên phiếu điều tra khách quan ý kiến học viên về tính phù hợp của các giáo trình thuộc chương trình này: Trong tổng số hơn 45.642 phiếu thăm dò, 40,79% đánh giá với tiêu chí “Rất cần”; 57,93% đánh giá “Cần”. Về kết quả tiếp thu do học viên tự đánh giá: Rất hiểu: 11,51%; Hiểu: 86,3%(?).

Văn phòng UBND TPHCM cho rằng, không thể so sánh yêu cầu về chất lượng tổ chức đào tạo theo chương trình này với Chương trình A, một chương trình hầu như không ai giám sát, quản lý việc thực hiện tổ chức đào tạo (?).

Là đơn vị thụ hưởng với nhiệm vụ quản lý học viên, theo dõi triển khai thực hiện đào tạo, Văn phòng UBND TPHCM nhận xét: Điều kiện học tập tốt, học trực quan (mỗi học viên 1 máy, có đường truyền Internet, có máy chiếu hỗ trợ, 3 giáo viên/20 học viên/lớp) nên học viên tiếp thu kiến thức nhanh và chắc; phòng ốc rộng thoáng, có máy lạnh, phục vụ hậu cần chu đáo; nội dung chương trình đào tạo sát nhu cầu thực tế, kết quả đào tạo được học viên đánh giá là tích cực, mang lại hiệu quả làm việc tốt cho cán bộ công chức hành chính (?).

Theo Sở Bưu chính, Viễn thông TPHCM, BĐH 112 còn vi phạm Thông tư 34/2002/TT/BTC về Hướng dẫn công tác tài chính thực hiện tin học hoá quản lý HCNN giai đoạn 2001-2005 khi sử dụng kinh phí do T.Ư cấp để đào tạo đại trà.

MỚI - NÓNG