Đào rừng về xuôi

Đào rừng về xuôi
TP - Những ngày cuối cùng của năm cũ, các nẻo đổ về Sapa tràn ngập đào rừng, nhất là đoạn đường chính nối thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng này với thủ phủ tỉnh Lào Cai.

Nhưng cho đến trước ngày Ông Táo chầu trời, các chợ đào tết dưới xuôi vẫn im ắng như thể Tết đang còn ở tít ga xép nào đó.

Cách đây một tuần, đào rừng còn lác đác quanh thị trấn Sapa đầy khách ngoại quốc. Một cây đào rừng nghễu nghện trước cửa ngõ Sapa sáng sớm 20/1 tức 13 tháng Chạp, chủ quán mắt nhắm mắt mở chào giá 1 triệu đồng.

Co ro trong cái lạnh 7oC, chủ nhà trỏ đám rêu mốc bám quanh cành như chứng chỉ xác định đấy là đào rừng, đào hoang dã, chứ không phải đào nhà.

Đến 16 giờ chiều 18 tháng Chạp, một cây đào rừng đẹp mê hồn trong sương trước cửa Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên, cách trung tâm Thị trấn Sapa chừng cây số, được chào giá ít hơn.

Thắng chễm chệ trên xe máy, sùm sụp mũ bảo hiểm, quát mấy anh chị dưới xuôi ra ngay khỏi thân đào cồng kềnh như đống củi khô, không lá, không hoa.

Ngó kỹ mới thấy chồi, thấy nụ. Các đám rêu xanh mốc nom như miếng nỉ cuốn lấy một cành gọn gàng. Cậy thử mới thấy chúng là rêu thực, bám ký sinh. Tôi hỏi chặt ở rừng về à, Thắng không trả lời thẳng và chỉ bảo mua qua tay người khác, ra giá 700.000 đồng.

“Về xuôi, bán gấp mười giá này” - Thắng phả luồng hơi rượu trắng đục trong cái lạnh 6,5oC vừa đo được từ nhiệt kế ở vườn phong lan VQG Hoàng Liên cách đó trăm thước. Một người nói đủ để cả bọn nghe thấy: “Năm trăm nghìn là bán ngay”.  Thắng chêm vào, tính cả công vận chuyển về xuôi, giá đó đừng mơ.

Khảo sát kỹ nội thị Sapa, tôi thấy lạ là nhà ở, nhà hàng hầu như vắng bóng đào tết. “Mấy ai sắm đào từ bây giờ” - Ông Nguyễn Hữu Điền, hơn 20 năm công tác ở Trạm Nghiên cứu Khí hậu nhiệt đới núi cao Sapa nói.

Nguồn tiêu thụ tại chỗ chủ yếu lúc này có lẽ là các công sở và khách sạn. Nơi nào đất nhiều, người ta trồng luôn đào trước cổng. Chỗ ra vào VQG Hoàng Liên có hàng dãy đào rừng như thể hàng cây lấy bóng mát dưới xuôi, như thể đấy là viện bảo tàng đào rừng.

Đào rừng về xuôi ảnh 1
Đào rừng Sapa về xuôi

Các khách sạn sang cũng đua nhau mang Tết sớm cho thượng đế. Bamboo, chuỗi ba khách sạn sang nhất nhì Sapa với giá 800.000 – 960.000 đồng/phòng/ngày, chuyển đào ùn ùn về sân với giá từ 100.000 đồng đến triệu bạc.

Bậc đá sâu hun hút. Sương mù kín đặc đến mức ban ngày cách nhau dăm mét là không thấy nhau. Nhưng cứ qua chỗ ngoặt chuyển bậc thang là một cành đào. Tôi có cảm giác như đang leo bậc thang đào để lên thiên đình ăn tết.

Tư gia có của ăn của để cũng thấy sắm sớm. Quán Observatory cạnh nhà bưu điện Sa Pa chẳng ngại ngần bỏ 500.000 đồng chỉ để đưa vào một cành đào cổ.

Đào rừng… trồng

Chẳng tinh mắt cũng có thể thấy đào Sa Pa tất tật là đào phai. Tinh mắt có thể thấy đào phai phần lớn hạ sơn, tức từ rừng về. Tinh hơn, lại thấy cái gọi là đào rừng chủ yếu về xuôi là chính.

“Tiêu thụ trên này chẳng mấy nả. - KS Hoàng Duy Thành, Viện Khoa học Khí tượng&Thủy văn Trung ương nhận định - Cùng lắm 40 phần trăm được bán ở địa phương”.

KS Thành đoán đào rừng năm nay đắt hơn mọi năm vì thời tiết không thuận. “Năm nay mưa rét kéo dài đến tận tết, ảnh hưởng đến tiến độ hãm đào. Cành đào nào cũng ngậm kín nụ. Chơi được lâu hơn nhưng hoa khó nở dịp Tết”.

Ông Lưu Minh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lào Cai - cảnh báo, hai đợt sương muối cuối tháng 12 năm ngoái và cách đây hai tuần còn làm nhiều loại hoa ở Sapa táp lá. Giá đào rừng, vì thế, có thể đứng ở mức cao.

“Đắt xắt ra miếng” Tài xế một xe tải nhỏ đang lăn bánh xuống Lào Cai để về xuôi nói với tôi. Anh bảo chuyến này chỉ chở cho một ông chủ ở Hà Nội.

“Vừa cắm ở nhà vừa làm quà cho các đầu mối làm ăn. Độc đáo, văn hóa, lại không đắt so với các loại quà khác” - Anh tài kể vanh vách cách tính toán của ông chủ, cổ đông một dự án thủy điện nhỏ trên Lào Cai – địa phương có mật độ dự án thủy điện nhỏ cao nhất toàn quốc, pha chút tự hào 3 năm liền được tin cậy chở đào.

Đào rừng về xuôi ảnh 2

“Quý ở chỗ chúng được lấy từ rừng. Đây anh xem, cây nào cũng có rêu mốc bám quanh”. Đoạn cầu số 9, bắt đầu lên dốc Sapa, hai bên đường giăng giăng đào cành. Sau mỗi cành đào khẳng khiu là đám đông mặc đồ dân tộc ít người. Người dân tộc bán đào, lại toàn đào có rêu mốc. Đích thị là đào rừng.

Nhưng rừng là rừng nào? Ông Đào Văn Vinh, dân tộc Tày, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ nằm ở vùng đệm VQG Hoàng Liên và cách Sapa không xa, quả quyết rừng không còn đào hoang dại đâu mà khai thác.

Ông Phạm Văn Đăng - Phó Giám đốc VQG Hoàng Liên – một trong những vườn quốc gia có số nguồn gene động thực vật phong phú nhất Việt Nam, cũng không tin đào được khai thác từ hoang dại. “Kiểm soát lâm sản rất chặt. - Ông Đăng nói - Nếu có, khai thác cũng không được nhiều”.

Vậy chúng từ đâu ra? Lọ mọ theo một người bán đào ở Sa Pa đến điểm phân phối gốc, tôi được nghe đúng là chúng từ rừng về thật. Nhưng không ai bảo đấy là đào từ rừng tự nhiên.

Thay vào đó, chúng đến từ rừng trồng. Được phân đất phân rừng, bà con dành một khoảnh chỉ để trồng đào. Thứ đào ấy vừa chăm vừa không chăm, để cho ít cây hoang dại cạnh tranh, cho ít cây ký sinh bám nhờ. Bà con gọi đấy là đào rừng bán hoang dã.

Nguồn cung nhiều nhất, được biết, là ở các xã Tả Van, Tả Phìn, là ở Ô Quý Hồ, vùng gió dữ dội nhất của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nơi có đỉnh Fanxipan cao nhất Đông Dương, 3.134 m.

Sáng hôm đó, trên đường từ xã Bản Hồ về Sapa cách nhau 25 km, tôi thấy một xe tải chất đầy đào nằm im lìm cạnh khu vực Bãi Đá Cổ. Càng cận Tết, đào đổ về Sapa càng nhiều.

Nhiều nhất có lẽ là ở đoạn đường Sapa đi Lào Cai. Còn từ Sapa vắt qua dãy Hoàng Liên Sơn đi Lai Châu, chỉ thấy lác đác. Nhưng so với mấy năm trước, một dân bản địa so sánh, đào không nhiều bằng.

Dưới xuôi, ăn Tết rét đài rét lộc, bên cành đào rừng ngậm đài, ngậm nụ cũng tươm rồi. Giá cả tăng vù vù, một cành đào rừng cỡ cái bồ đựng thóc hỏi chỗ Nhật Tân, Hà Nội, hôm trước Tết Ông Táo, đã hét triệu bạc. Mấy nả nhà nghèo dám chơi một cành rừng. 

Ý kiến bạn đọc

Anh Kiệt; Email: anhkiet6038@yahoo.com.vn;  Chỉ nên khai thác đào trồng

Thú vui của các đại gia thành phố đã tàn sát nhiều vẻ đẹp tự nhiên. Sapa sẽ như thế nào nếu mất vẻ đẹp của đào. Nếu lãnh đạo Sapa biết định hướng trồng đào để khai thác bán là điều tốt, một hướng kinh tế như trồng các loại hoa khác. Nhưng nếu khai thác tự nhiên thì Sapa sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Hãy lấy guơng của vùng Tam Điệp (Ninh Bình) làm bài học. Trước đây vùng này được ví là Hạ Long cạn. Chỉ vì thú vui của người thành phố về núi non bộ mà hiện nay cả vùng này chỉ còn là những cánh đồng, vẻ đẹp tự nhiên lúa dập dờn chân núi như sóng nước Hạ Long đã không còn nữa, khi chúng ta biết tiếc thì đã không sao khôi phục lại được.

Cầu chúc cho Sapa đẹp mãi.

MỚI - NÓNG