Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Mỹ bác bỏ nghi vấn liên quan

Một người dân dùng thắt lưng đánh các binh sỹ sau khi họ đầu hàng cảnh sát trên cầu Bosphorus. Ảnh: Getty Images.
Một người dân dùng thắt lưng đánh các binh sỹ sau khi họ đầu hàng cảnh sát trên cầu Bosphorus. Ảnh: Getty Images.
TP - Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng lên sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phản ứng chuyện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bóng gió rằng, Mỹ có vai trò trong cuộc đảo chính quân sự vừa thất bại. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch truy quét những người dính dáng vụ việc.

Yêu cầu Mỹ dẫn độ một giáo sĩ

Câu chuyện xoay quanh ông Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo sống lưu vong ở bang Pennsylvania mà Tổng thống Tayyip Erdogan đang đòi Mỹ phải giao trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan cáo buộc ông Gulen đứng sau vụ đảo chính bất thành, và Mỹ đang cung cấp chỗ ẩn náu cho ông này.

Nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bác bỏ tất cả những lời lẽ bóng gió rằng Mỹ dính líu đến vụ đảo chính. “Ông ấy khẳng định rõ ràng rằng, Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ điều tra, nhưng việc ám chỉ công khai về bất kỳ vai trò nào của Mỹ trong nỗ lực đảo chính đều hoàn toàn sai lầm và gây tổn hại cho quan hệ song phương”, Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kerby khẳng định cuối ngày 16/7, với ngụ ý nhắc đến cuộc nói chuyện giữa Ngoại trưởng Kerry với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu.

Ông Erdogan trước đó cáo buộc giáo sĩ Gulen truyền cảm hứng và huy động những người ủng hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó chỉ đạo cuộc đảo chính. Là người ủng hộ phong trào đòi dân chủ, giáo sĩ Gulen từng là đồng minh của ông Erdogan trước khi trở thành kẻ thù và bị xét xử vắng mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ông Gulen khẳng định không dính dáng cuộc đảo chính lần này.

Cáo buộc ông Gulen phải chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng không giấu giếm nỗi tức giận của mình với Mỹ. “Tôi nói với người Mỹ là: Xét xử hoặc giao nộp người đàn ông đang sống ở khu vực rộng 400.000 m2 ở Pennsylvania. Tôi kêu gọi một lần nữa sau vụ đảo chính. Hãy giao ông ta về Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nói.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng tấn công vào quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ khi nói: “Nếu chúng ta là đối tác chiến lược thì hãy lắng nghe đối tác của mình và làm điều chúng tôi nói. Chúng tôi giao cho các ông bất kỳ tên khủng bố nào các ông yêu cầu. Giờ các ông hãy giao cho chúng tôi nhân vật nằm trong danh sách khủng bố của chúng tôi”, ông Erdogan nói.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Kerry phát biểu mềm mỏng hơn trước các phóng viên: “Chúng tôi hoàn toàn đoán trước được rằng sẽ có những câu hỏi nêu ra đối với ông Gulen. Và rõ ràng chúng tôi sẽ mời chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, như cách chúng tôi thường làm, hãy cho chúng tôi thấy bất kỳ bằng chứng hợp pháp vững chắc nào. Và Mỹ sẽ đánh giá bằng chứng đó một cách phù hợp”.

Gia tăng bắt bớ

Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng chiến dịch truy quét những người bị cáo buộc dính dáng cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Có đến 6.000 người bị bắt giữ, trong đó có nhiều sĩ quan quân đội. Lệnh bắt 53 thẩm phán và công tố viên cùng 52 sĩ quan quân đội khác cũng đã được ban hành, hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin.

Bộ trưởng Nội vụ Bekir Bozdag phát biểu trên truyền hình nhà nước: “Chiến dịch thanh lọc đang tiếp tục. Khoảng 6.000 cuộc bắt giữ đã được thực hiện. Con số có thể vượt quá 6.000”. Bộ trưởng Bozdag nói ông tin Mỹ sẽ giao nộp giáo sĩ Gulen cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Bozdag nói: “Mỹ sẽ tự làm yếu mình bằng cách bảo vệ ông ta, điều đó sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Mỹ. Tại giờ phút này, tôi không nghĩ Mỹ sẽ bảo vệ người đã có hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tổng thống Erdogan đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi cuộc đảo chính thất bại. Ông Putin nói Mátxcơva ủng hộ “chính phủ do dân bầu của Thổ Nhĩ Kỳ” và gửi lời chúc phúc đến người dân Thổ Nhĩ Kỳ, thông báo của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Thông báo nói rằng, hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý gặp mặt trực tiếp vào tháng sau.

Ba trong số các tướng lĩnh cấp cao nhất của Thổ Nhỹ Kỳ đã bị bắt cùng hàng trăm binh lính. Gần 3.000 thẩm phán và công tố viên bị bãi chức. Các nhà điều tra đang chuẩn bị hồ sơ đưa những người lên kế hoạch đảo chính ra xét xử với tội danh âm mưu lật đổ chính phủ. Chính phủ nói rằng, ít nhất 104 người lên kế hoạch đảo chính đã bị tiêu diệt. Cuộc đảo chính (bắt đầu đêm 15/7) khiến ít nhất 265 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương, nhưng có vẻ đã giúp tỷ lệ ủng hộ đối với ông Erdogan tăng lên, BBC đưa tin. Hôm qua, hàng ngàn người tụ tập vỗ tay, hát hò, nhảy múa ở Ankara và Istanbul để thể hiện sự ủng hộ đối với người đã lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ 13 năm qua.

Việc Tổng thống Erdogan vượt qua được cuộc đảo chính đã khiến ông trở thành nhân vật được coi là huyền thoại, nhưng có thể làm xói mòn thêm nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ, ABC News dẫn lời nhà nghiên cứu Soner Cagaptay - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Nghiên cứu Washington (Mỹ). “Sự việc sẽ cho phép ông ấy đàn áp sự tự do và quyền tự do lập hội, hội họp, thể hiện ý kiến và truyền thông theo những cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”, ông Cagaptay nói. Tại hội nghị ngày 18/7, các bộ trưởng châu Âu sẽ tái khẳng định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần tuân thủ các nguyên tắc dân chủ của châu Âu, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết. “Chúng tôi muốn pháp quyền được thực thi đầy đủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đảo chính không phải là tờ séc khống dành cho ông Erdogan. Không thể có các cuộc thanh trừng”, ông Ayrault nói.

Ngày 17/7, CNN đưa tin, cố vấn quân sự số 1 của Tổng thống Tayyip Erdogan, ông Ali Yazici, đã bị bắt do liên quan vụ đảo chính. Cùng ngày, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, chuẩn tướng không quân Bekir Ercan Van cùng hơn chục sĩ quan dưới quyền vừa bị bắt với cáo buộc hậu thuẫn cuộc đảo chính. Ông Van bị bắt ngay tại Căn cứ không quân Incirlik được Mỹ dùng để tiến hành không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Theo Theo ABC News, BBC, CNN
MỚI - NÓNG