Đánh lận con đen

TP - Một hồ thủy lợi được xây dựng từ năm 1990 của thế kỷ trước để phục vụ tưới cho 600 ha đất nông nghiệp của 3 xã thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã được biến thành hồ nước mặt sông Đà, sau đó xử lý bán cho hàng vạn người dân Hà Nội. Nói vậy, bởi ngoài kênh dẫn nước sông Đà, thì còn 3 con suối xả thẳng ra hồ Đầm Bài.

Nước từ các trại cá, phân trâu, phân dê, nước thải từ sản xuất nông nghiệp có thể chứa thuốc bảo vệ thực vật, nước vệ sinh của mấy xã lân cận cũng đổ ra hồ này. Vậy, nhà máy nước ở đây phải gọi đúng tên là Nhà máy nước hồ thủy lợi Đầm Bài, chứ không thể “đánh lận con đen” là Nhà máy nước sạch sông Đà.

Không chỉ về tên gọi, sự cố nước nhiễm dầu thải vừa qua, cũng phơi bày một lỗ hổng lớn về an ninh nguồn nước. Với một lưu vực rộng lớn thuộc quyền quản lý của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình, đơn vị thuần túy lo về nước tưới tiêu cho nông nghiệp, thì rõ ràng khâu kiểm soát nguồn nước đầu vào của nhà máy nước sạch sông Đà nhiều năm qua bị bỏ qua.

Trước kênh dẫn vào nhà máy công ty chỉ cho lắp một phao chắn rác, rong rêu hết sức thô sơ và phải sau sự cố vừa qua phao chuyên dụng mới được lắp để ngăn chặn chất thải.

Nhìn thấy lỗ hổng này, hôm qua, trong buổi trao đổi với báo chí, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng nêu việc hồ chứa Đầm Bài lưu vực lớn cùng nhiều suối nhỏ dẫn vào hồ nên công tác bảo vệ vùng hồ, kiểm soát chất lượng nước đổ về hồ gặp khó khăn.

Cơ quan chức năng tỉnh kiến nghị xây kênh dẫn nước kín để dẫn nước từ sông Đà về nhà máy, không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện nay.

Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư lại khẳng định, họ lấy nước hồ Đầm Bài là “đúng quy trình” đã được Thủ tướng phê duyệt trong phương án đầu tư xây dựng nhà máy. Còn việc đầu tư kênh kín dẫn trực tiếp nước mặt sông Đà vào nhà máy như đề xuất của tỉnh Hòa Bình thì chỉ là kế hoạch dài hạn mà công ty chưa tính tới.

Với trả lời như trên, thì rõ ràng, người dân Hà Nội sẽ tiếp tục phải sử dụng nguồn nước sạch mà đầu vào không được kiểm soát, an ninh nguồn nước bị thả nổi. Không biết sau sự cố dầu thải thì còn những chất bẩn gì có thể đổ xuống hồ thủy lợi này rồi bị biến thành nước sạch cho hàng vạn dân Thủ đô.

Đáng nói hơn, sau gần 10 ngày cung cấp sản phẩm kém chất lượng khiến cuộc sống, sinh hoạt của hàng vạn người dân Hà Nội đảo lộn, lãnh đạo công ty này lại nhất quyết từ chối gửi lời xin lỗi chính thức cũng như bồi thường thiệt hại cho người dân với lý do công an đang điều tra và doanh nghiệp này là “đơn vị thiệt hại nhất”.

Hàng vạn người dân Hà Nội đang có quan hệ kinh tế với một đơn vị không có tối thiểu một chút “đạo đức kinh doanh”. Họ thản nhiên bán nước theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” trong nhiều năm, biết nước nhiễm dầu thải vẫn không dừng nhà máy và thông báo cho người dân, thật đúng là “bó tay” với mấy ông nước sạch Sông Đà!

Trong khi đó, mỗi năm công ty này thu lợi nhuận vài trăm tỷ đồng từ bán nước sạch cho người dân.

Công an đã khởi tố vụ án, tuy nhiên dư luận và người dân cũng mong muốn cần làm rõ trách nhiệm của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà, chứ không thể để họ bất chấp dư luận như những ngày qua.

 
MỚI - NÓNG