Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định triển khai hệ thống phòng không mạnh nhất S-400 Triumf đến Syria. Quyết định được đưa ra một ngày sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 Fencer của Nga đang làm nhiệm vụ không kích IS.
Trước đó, ngay sau khi Su-24 bị bắn hạ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho tuần dương hạm Moskva tiến gần sân bay Latakia và sẵn sàng bắn hạ bất kỳ mục tiêu nào gây nguy hiểm cho hoạt động của quân đội Nga.
Hợp thức hóa việc tăng cường viện trợ cho Syria
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, không quân một quốc gia thành viên NATO bắn rơi chiến đấu cơ Nga.
Bên cạnh đó, Su-24 bị bắn trong lúc đang làm nhiệm vụ không kích Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – tổ chức khủng bố mà cả thế giới đang muốn tiêu diệt. Một vấn đề quan trọng khác, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Việc Ankara bắn hạ máy bay Nga có cùng sứ mệnh diệt IS đặt ra nhiều nghi vấn về mục đích thực sự của nước này trong cuộc chiến chống IS.
Mục đích của liên minh do Mỹ dẫn đầu không hoàn toàn vì sứ mệnh tiêu diệt IS. Lật đổ chính quyền Tổng thống Assad vẫn là mục tiêu hàng đầu của phương Tây.
Tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-30SM hạ cánh sau khi làm nhiệm vụ ở Syria. Ảnh: Press TV.
Từ lâu Nga đã muốn tăng cường viện trợ quân sự cho Syria nhưng luôn vấp phải sự phản đối của NATO. Giờ đây, một quốc gia thành viên NATO bắn hạ chiến đấu cơ Nga là lý do không thể hợp lý hơn để Moscow tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria.
Nga có thể công khai đưa S-400 và nhiều khí tài hạng nặng khác đến Syria mà không một quốc gia NATO nào có thể phản đối. Một quan chức quân sự Mỹ nói với AFP rằng, hơn 30 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 và T-72 đã đến Syria.
Hành động của Ankara vô tình đem lại cho Moscow lý do để hợp thức hóa việc triển khai quân sự lâu dài ở Syria. Theo nguồn tin mới nhất từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Bộ Quốc Phòng Nga đang xem xét việc triển khai thêm 10-12 tiêm kích đến Syria nhằm bảo vệ các máy bay ném bom.
Từ trái qua, xe mang phóng, radar 92N6E, radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E của tổ hợp S-400. Ảnh: Ausairpower. Phá sản kế hoạch của NATO ở Syria
Việc Nga triển khai hệ thống phòng không S-400 đến Syria không đơn thuần chỉ để bảo vệ các chiến đấu cơ của nước này. Theo Military Today, S-400 có thể tiêu diệt mục tiêu trên không ở cự ly tới 400 km. Radar tìm kiếm mục tiêu 91N6E có tầm bao phủ tới 600 km.
Trong khi đó, căn cứ không quân Hemeimeem, tỉnh Latakia – nơi Nga sẽ triển khai S-400 chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 50 km. Điều đó có nghĩa S-400 có thể kiểm soát hoạt động của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ từ sâu bên trong lãnh thổ nước này.
Sự có mặt của S-400 khiến Ankara lâm vào thế khó. Nếu muốn tiếp tục hậu thuẫn cho phiến quân Turkmen, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải có hành động cứng rắn hơn. Nhưng việc lặp lại sự cố Su-24 chắc chắn không thể xảy ra. Tên lửa S-400 có tốc độ tới 4,8 km/giây nên hầu như không có cơ hội cho máy bay Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn tiếp cận chiến đấu cơ Nga.
James F. Jeffrey, thuộc Viện Chính sách Cận đông nhận định, việc triển khai S-400 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 sẽ dẫn đến sự thất bại của phiến quân Turkmen do Ankara hậu thuẫn. Một trong hai phi công nhảy dù đã bị phiến quân bắn chết. Lực lượng này còn bắn hạ một trực thăng làm nhiệm vụ cứu hộ khiến một lính dù thiệt mạng. Ông Jeffrey tin rằng, Nga sẽ xóa sổ phiến quân Turkmen để trả thù.
Bên cạnh đó, radar của tổ hợp S-400 có thể kiểm soát đồng thời 300 mục tiêu. Như vậy, Moscow không chỉ giám sát hoạt động của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cả liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Các máy bay của liên minh làm nhiệm vụ không kích ở Syria luôn ở trong tình trạng bị radar cảnh báo sớm của S-400 theo dõi. Các phi công buộc lòng phải hành động rất thận trọng nếu không muốn trở thành mục tiêu cho S-400.
Ngoài ra, bầu trời Syria có rất nhiều chủng loại máy bay chiến đấu đang hoạt động. Kíp trắc thủ S-400 có thể nhân cơ hội này để đọc thông số các chiến đấu cơ như F-15, F-16 của Mỹ, Rafale, Mirage-2000 của Pháp.
Những thông số thu được một mặt giúp nhà sản xuất hiệu chỉnh vũ khí, mặt khác kíp trắc thủ có thêm kinh nghiệm trong việc đối phó với chiến đấu cơ phương Tây.
“Đó là một hệ thống vũ khí uy lực. Nó đặt ra mối đe dọa lớn cho các mục tiêu trên không. Điều đó dẫn đến những lo ngại đối với hoạt động bay ở Syria”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với AFP.
Nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar nhận định, việc Nga triển khai S-400 một mặt răn đe Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo các quốc gia NATO về những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình ở Syria.