Từ khi Ant Group của Alibaba bị cấm niêm yết ở Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh triển khai nhiều biện pháp hạn chế các tập đoàn công nghệ lớn như Tencent và Didi Global. Những quy định mới được áp dụng để thắt chặt quản lý các ngành giáo dục, bất động sản và giải trí.
Sau đó, hàng chục sao nhạc pop và các minh tinh như Triệu Vy và Trịnh Sảng bị cấm hoặc phạt tiền, các ca sĩ nam bị cáo buộc tội danh tình dục. Trung Quốc cũng cấm cửa những nghệ sĩ nam có ngoại hình nữ tính và quy định người dưới 18 tuổi chỉ được chơi game 3 giờ mỗi tuần.
Trong bối cảnh đó, bài bình luận có tựa đề “Mọi người đều cảm thấy một sự thay đổi sâu sắc đang diễn ra” giải thích cụ thể động lực của Bắc Kinh trong từng hành động.
Tác giả của bài viết là Li Guangman, cựu tổng biên tập của tờ Tin tức điện lực Trung Quốc, một tờ báo đã bị đóng cửa năm 2013. Bài viết được đăng trên tài khoản mạng xã hội của ông Li vào ngày 28/8.
Sáng hôm sau, bài viết này xuất hiện trên website của nhật báo Quảng Minh thuộc ban tuyên truyền của Đảng, và Thời báo Hoàn cầu. Tối hôm đó, nó được đăng lại trên nhiều báo khác như Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa xã, CCTV và trang 81.cn.
“Trung Quốc đang đối diện với môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và khắc nghiệt. Mỹ tạo ra hàng loạt đe doạ quân sự, phong toả về công nghệ và kinh tế, tấn công tài chính và bao vây chính trị với Trung Quốc. Mỹ cũng tiến hành chiến tranh sinh học, chiến tranh mạng và huy động dư luận chống lại Trung Quốc”, ông Li viết.
“Nếu chúng ta vẫn phải dựa vào các nhà tư bản lớn làm lực lượng chính để chống đế quốc và chủ nghĩa bá quyền, hoặc vẫn tiếp tục duy trì ngành giải trí kiểu “bú sữa mẹ” của Mỹ, những thanh niên của chúng ta sẽ mất đi sức mạnh và sự nam tính, rồi chúng ta sẽ sụp đổ như Liên Xô trước khi chúng ta bị tấn công”, ông Li viết.
Tác giả cho rằng sự “chuyển đổi mạnh mẽ” đang diễn ra ở Trung Quốc là để đối phó với những cuộc tấn công tàn bạo và dữ dội của Mỹ, cũng như tình hình quốc tế phức tạp hiện nay.
Bài viết cũng nói rằng những hành động chấn chỉnh ngành công nghiệp giải trí vừa qua là chưa đủ, vì những lao động và người dân bình thường nên trở thành nhân vật chính trên màn ảnh. Người dân cần được hưởng lợi từ mục tiêu “thịnh vượng chung” sau khi các ngành giáo dục, y tế và bất động sản được đổi mới.
Các nhà bình luận nói rằng bài bình luận này giống cách nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc Mao Trạch Đông khởi xướng Cách mạng văn hoá với những tấm áp phích lớn hồi năm 1966.
Các nhà bình luận cho rằng trong quá trình đó, những doanh nhân và quan chức hưởng lợi từ quá trình mở cửa kinh tế của Trung Quốc trong mấy thập kỷ qua sẽ mất nhiều lợi ích, trong khi quyền lực và vai trò của Đảng sẽ càng được củng cố.