Triệu Vy, một trong những diễn viên nổi tiếng nhất Trung Quốc, gần như bị xóa khỏi internet chỉ sau một đêm. Fan page của cô trên Weibo bị đóng. Những phim và chương trình truyền hình có mặt cô, kể cả từ cách đây 2 thập kỷ, cũng bị gỡ khỏi các trang giải trí. Tên cô cũng bị xoá khỏi danh sách diễn viên.
Các nhà đài và trang web cũng gỡ bỏ những bộ phim của Trịnh Sảng, một ngôi sao hạng A khác sau khi cô này bị phạt 46 triệu USD vì tội trốn thuế. Trịnh Sảng cũng là người vướng bê bối mang thai hộ hồi đầu năm nay, sau khi bị bạn trai cũ tố bỏ rơi 2 con ở Mỹ.
Đợt xoá sổ này diễn ra khi cơ quan quản lý Trung Quốc được cho là đã lên danh sách “những ngôi sao cư xử sai trái”. Triệu Vy và Trịnh Sảng đều nằm trong danh sách này, cùng với ngôi sao nhạc pop người Canada gốc Hoa Kris Wu (Ngô Diệc Phàm), người đã bị bắt trong tháng này với cáo buộc hiếp dâm.
Dù nhiều ngôi sao Trung Quốc xưa nay vẫn bị quản lý, nhưng chiến dịch lần này diễn ra với quy mô rộng hơn và nghiêm khắc hơn, khiến sự hiện diện của họ trên internet gần như bị xoá sạch. Người hâm mộ của họ ví đợt hành động lần này như sự xuất hiện của một hố đen sau khi nuốt chửng các vì sao.
Giới chức Trung Quốc còn nhắm vào văn hoá hâm mộ của người trẻ Trung Quốc. Cuối tuần trước, Cơ quan quản lý không gian mạng (CAC) Trung Quốc công bố 10 biện pháp để “dọn dẹp” tình trạng mà họ gọi là các nhóm fan “hỗn loạn”, trong đó có việc cấm bất kỳ hành động nào nhằm xếp hạng các ngôi sao dựa trên mức độ nổi tiếng của họ, thắt chặt quy định liên quan đến các trung tâm đào tạo tài năng và tài khoản của câu lạc bộ người hâm mộ.
Một ngày trước đó, trang chia sẻ video iQiyi huỷ tất cả buổi biểu diễn tài năng thần tượng, gọi đó là những thứ “không lành mạnh”.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, một số bình luận còn so sánh chiến dịch lần này giống như Cách mạng văn hoá từ những năm 1966-1976.
Giới lãnh đạo Trung Quốc coi văn hoá quần chúng là một mặt trận tư tưởng, vì thế luôn để mắt tới. Chính quyền khuyến khích phát triển phim ảnh và chương trình biểu diễn để người dân lựa chọn thay vì sản phẩm của Hollywood hay các nước khác.
Nhưng trong những năm gần đây, vai trò quá lớn của các ngôi sao và văn hoá hâm mộ bị coi là thứ nguy hiểm, có ảnh hưởng xấu, nhất là đối với giới trẻ của nước này.
Trung Quốc gần đây hay nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tạo ra sự “thịnh vượng chung” và cam kết phân phối lại của cải, và những người nổi tiếng có thu nhập cao và doanh nhân là các nhóm đầu tiên bị nhắm đến.
Thu nhập cao chót vót của những sao hạng A đang là lời nhắc nhở rõ ràng về chênh lệch thu nhập. Trịnh Sảng được nói là thu về hơn 24 triệu USD sau hai tháng rưỡi đóng một bộ phim tình cảm lãng mạn, nghĩa là mỗi ngày kiếm được hơn 300.000USD. Năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng hơn 60 triệu dân Trung Quốc vẫn chỉ kiếm được khoảng 140USD/tháng.
Từ quan điểm ý thức hệ, các lãnh đạo Trung Quốc muốn những người nổi tiếng trở thành hình mẫu trong việc thúc đẩy các giá trị như lòng ái quốc và tình yêu chính quyền. Nhiều người đã đáp lại mong muốn đó.
Trên mạng xã hội, hàng loạt diễn viên, ca sĩ, người có ảnh hưởng và những người khác trong ngành giải trí nhiều lần lên tiếng bảo vệ chính phủ, kêu gọi ủng hộ cảnh sát Hong Kong trong phong trào biểu tình ở đặc khu hồi năm 2019 và dẫn đầu trong chiến dịch tẩy chay các thương hiệu phương Tây đầu năm nay vì vấn đề Tân Cương.
Nhiều diễn viên thành công cũng tham gia những bộ phim và chương trình truyền hình về lòng yêu nước, và những người nổi tiếng cảm thấy có nghĩa vụ phải quyên góp hàng triệu đô la khi có thiên tai nghiêm trọng xảy ra.
Nhưng những điều đó chưa đủ. Các nhà quản lý Trung Quốc coi lối sống xa hoa của một số người nổi tiếng là dấu hiệu suy đồi đạo đức, và cho rằng nhiều thần tượng nam quá “ẻo lả”. Những biện pháp cực đoan của một số người hâm mộ khi bảo vệ thần tượng của họ trước phe chỉ trích cũng khiến giới chức lo ngại.
Cuối tuần qua, cơ quan giám sát chống tham nhũng của Đảng chỉ trích cái họ gọi là văn hoá ngôi sao “độc hại”, đang “cổ xuý những giá trị sai trái” trong giới trẻ Trung Quốc.
Nhưng điều đáng lo hơn cả là khả năng ấn tượng của người hâm mộ khi huy động sự ủng hộ rất lớn dành cho thần tượng. Sau khi Ngô Diệc Phàm bị bắt, một số người hâm mộ công khai kêu gọi thực hiện một “chiến dịch giải cứu” để giúp anh này thoát khỏi sự điều tra của cảnh sát.
Dù ít người coi kế hoạch “vượt ngục” ấy là nghiêm túc, nhưng chính quyền vẫn coi đó là lời cảnh báo về khả năng người trẻ sẵn sàng thách thức quyền lực của nhà nước vì một đối tượng họ tôn thờ.
Trong tuyên bố đưa ra cuối tuần trước, CAC thúc giục các cơ quan chức năng chấn chỉnh với “tinh thần trách nhiệm, nhiệm vụ và sự khẩn trương”, vì nhiệm vụ của họ là “bảo vệ an ninh chính trị và an ninh tư tưởng”.