Lý giải xu hướng người trẻ Trung Quốc thích vàng kiểu rồng bay phượng múa

0:00 / 0:00
0:00
Những trang sức hình rồng, công, phượng...đang được người trẻ Trung Quốc ưa chuộng. (Ảnh: imall)
Những trang sức hình rồng, công, phượng...đang được người trẻ Trung Quốc ưa chuộng. (Ảnh: imall)
TPO - Nhiều khách hàng trẻ và giàu có ở Trung Quốc giờ không còn thích sự đơn giản hiện đại nữa mà trở lại với các mẫu truyền thống khi lựa chọn trang sức.

Những sản phẩm vòng tay, mặt dây chuyền, hoa tai và dây chuyền có hình rồng, phượng hoàng và các biểu tượng truyền thống khác của Trung Quốc đang tăng mạnh, nhất là trong nhóm khách hàng độ tuổi 20 và 30, giúp thị trường này hồi phục mạnh mẽ sau thời gian ảm đạm vì COVID-19.

Thương mại điện tử và niềm tự hào quốc gia đang gia tăng nhu cầu đối với những mặt hàng được gọi là trang sức di sản, đòi hỏi sự khéo léo của người chế tác và khiến giá đội thêm 20% tiền công so với trang sức vàng truyền thống, những lãnh đạo trong ngành cho biết.

Những trang sức truyền thống này bắt đầu được yêu thích trở lại từ giữa năm 2020, giúp đẩy mạnh nhu cầu mua vàng ở Trung Quốc – nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, khiến doanh thu trong nửa đầu năm 2021 tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đại dịch, theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới (WGC).

Nền kinh tế mạnh lên và tiêu dùng gia tăng đang giúp tăng doanh thu. Sở thích của nhóm khách hàng trẻ đối với các mẫu thiết kế to và cổ điển đã tạo ra thay đổi trên thị trường kim loại quý, dù những mẫu này trước đây thường được coi là dấu hiệu của sự phô trương và biểu tượng địa vị.

Sự thay đổi đó đang thúc đẩy thị trường vàng, vào thời điểm nhu cầu ở Ấn Độ - nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, đang giảm sút vì các đám cưới bị hoãn do đại dịch.

Những nhà bán lẻ trang sức lớn của Trung Quốc như Chow Tai Fook và Luk Fook cho biết các bộ sưu tập trang sức vàng di sản của họ đang được bán rất tốt, nhất là trong nhóm khách hàng trẻ.

Chow Tai Fook, hãng trang sức lớn nhất Trung Quốc tính theo giá trị thị trường, nói rằng bộ sưu tập vàng di sản của họ chiếm đến 40% doanh thu bán sản phẩm vàng ở Trung Quốc đại lục trong năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2021, tăng 29% so với năm trước và tăng nhanh hơn so với những sản phẩm trang sức khác.

Một phần tạo nên sức hấp dẫn của trang sức di sản đối với người trẻ Trung Quốc là mong muốn thể hiện lòng yêu nước, trong bối cảnh các thương hiệu của nước này đang bị quay lưng vì những cáo buộc liên quan đến nhân quyền ở Tân Cương.

“Thế hệ trẻ lớn lên khi nền kinh tế Trung Quốc đã mạnh hơn, vì thế họ tự tin hơn vào sự phát triển của đất nước và có thể ít ngưỡng mộ văn hoá phương Tây hơn”, Roland Wang, giám đốc điều hành của WGC Trung Quốc, đánh giá.

“Họ muốn thể hiện văn hoá truyền thống Trung Quốc trong cuộc sống hằng ngày nhiều hơn, thể hiện trong cách ăn mặc hay trang trí nhà cửa. Vàng di sản có thể đáp ứng nhu cầu này”, ông Wang nói.

Gao, một giám đốc kinh doanh 29 tuổi ở tỉnh Giang Tô, cho biết cô vừa chi 30.000 tệ (hơn 4.600 USD) để mua một chiếc vòng tay và kẹp tóc được chạm khắc hoa văn cầu kỳ truyền thống để sử dụng, sau đó sẽ để lại cho con gái 2 tuổi khi em bé lớn lên.

“Tôi thích văn hoá Trung Quốc và thích những sản phẩm gắn với lịch sử Trung Quốc. Tôi chỉ mặc quần áo kiểu truyền thống, vì thế tôi chọn trang sức vàng truyền thống cho phù hợp”, Gao cho biết.

Các hãng trang sức cho biết sản phẩm truyền thống của họ ngày càng phổ biến với những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ ở Bắc Kinh, Thượng Hải và những thành phố lớn khác. Trong khi đó, thương mại điện tử bùng nổ giúp khách hàng mua trang sức dễ dàng hơn.

“Đại dịch khiến tôi chi nhiều hơn cho trang sức vàng…Tôi rất quan tâm đến những cuộc bán hàng live stream”, Gao cho biết.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG