Trung Quốc lại nóng tranh cãi về văn hoá làm việc ‘996’

0:00 / 0:00
0:00
Colin Huang, nhà sáng lập của mạng bán lẻ trực tuyến Pinduoduo. (Ảnh: NK)
Colin Huang, nhà sáng lập của mạng bán lẻ trực tuyến Pinduoduo. (Ảnh: NK)
TPO - Giới chức Trung Quốc đang để mắt đến tình trạng các công ty lớn bắt nhân viên làm việc quá giờ, thường được gọi là văn hoá làm việc “996”.

Ngày 26/8, Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc ra tuyên bố lên án văn hoá “996”, nghĩa là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối suốt 6 ngày mỗi tuần. Văn hoá làm việc này đang phổ biến ở những tập đoàn công nghệ lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp và các công ty tư nhân.

“Gần đây, vấn đề làm việc quá giờ nghiêm trọng ở một số ngành công nghiệp đang được chú ý rộng khắp”, Toà án nhân dân tối cao Trung Quốc viết trong tuyên bố gửi Bộ Nhân lực và An sinh xã hội. Tuyên bố nói rằng các nhân viên có quyền “nghỉ ngơi và nghỉ dưỡng”, và việc “tuân thủ hệ thống giờ làm việc quốc gia là nghĩa vụ pháp lý đối với các chủ lao động”, Toà án nói.

Tuyên bố dẫn ra nhiều công ty trong các ngành công nghiệp đang vi phạm luật lao động, trong đó có một công ty chuyển phát nhanh đang bắt nhân viên làm việc theo công thức "996". Toà án nói rằng việc yêu cầu nhân viên làm như vậy “đã vi phạm nghiêm trọng luật về giới hạn làm thêm giờ và không đúng với pháp luật”.

Phản ứng với văn hoá làm việc quá mức ở Trung Quốc không phải điều gì mới. Cách đây 2 năm, Jack Ma, đồng sáng lập viên của Alibaba, bị chỉ trích gay gắt sau khi ông gọi "văn hoá 996" là “phúc lớn”. Luật của Trung Quốc cấm yêu cầu nhân viên làm nhiều giờ như vậy.

Tuyên bố mới nhất của Toà án tối cao được đưa ra khi Bắc Kinh đang thắt chặt kiểm soát đối với các tập đoàn tư nhân, bằng cách đưa ra những quy định và hình phạt mới để giảm bớt ảnh hưởng của các tập đoàn quá mạnh. Các lãnh đạo Trung Quốc khẳng định điều này là cần thiết để xử lý vấn đề mất an toàn số liệu và bất bình đẳng về giáo dục, và cũng nhằm ngăn chặn bất ổn xã hội.

“Không có gì sai khi ủng hộ làm việc chăm chỉ, nhưng điều đó không thể là lá chắn để các chủ lao động trốn tránh trách nhiệm pháp lý”, Toà án viết.

Tháng 1 năm nay, hãng bán lẻ trực tuyến Pinduoduo bị chỉ trích nặng nề chuyện bắt nhân viên làm việc quá mức, dẫn đến cái chết của 2 nhân viên.

Pinduoduo khi đó không phản hồi cáo buộc về văn hoá làm việc của họ, nhưng nói rằng họ đã lập một nhóm tư vấn tâm lý sau khi một nhân viên tự tử.

Gần đây, nhiều người trẻ Trung Quốc bắt đầu quay lưng với văn hoá làm việc quá mức, bằng cách đề cao ước muốn “tang ping” (nằm duỗi). Triết lý này kêu gọi mọi người từ chối áp lực xã hội phải làm việc cực khổ, kết hôn, sinh con và mua nhà, vì giá trị mà họ nhận được sẽ giảm dần sau khi đã được những điều này.

Theo CNN
MỚI - NÓNG