Cuộc điều tra liên quan đến những cáo buộc về cách đối xử của Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong đó có vấn đề sử dụng lao động cưỡng ép, Reuters dẫn một nguồn tin cho biết.
Nguồn tin nói rằng Uniqlo chi nhánh ở Pháp, chủ sở hữu Inditex của thương hiệu Zara Tây Ban Nha, SMCP và Sketchers của Pháp là bốn đối tượng của cuộc điều tra.
Inditex bác bỏ cáo buộc, khẳng định họ đã kiểm soát truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt và sẽ hợp tác đầy đủ với giới chức Pháp trong cuộc điều tra.
“Tại Inditex, chúng tôi không chấp nhận mọi hình thức cưỡng ép lao động nên đã thiết lập chính sách và quy trình để điều này không xảy ra trong chuỗi cung ứng của chúng tôi”, Inditex nói trong thông cáo.
SMCP cũng khẳng định sẽ hợp tác đầy đủ với giới chức Pháp để chứng minh cáo buộc không đúng.
Uniqlo Pháp chưa có bình luận. Skechers nói rằng họ không bình luận về các vụ việc đang chờ điều tra, đồng thời nhắc lại tuyên bố đưa ra hồi tháng 3 rằng họ có quy tắc ứng xử chặt chẽ đối với chuỗi cung ứng của mình.
Đầu tháng 4, hai tổ chức phi chính phủ gửi đơn phàn nàn đến giới chức Pháp nói rằng các công ty đa quốc gia nêu trên che giấu tình trạng cưỡng ép lao động và “tội ác chống lại loài người”.
Các chuyên gia Liên Hợp quốc ước tính khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo thiểu số khác bị giam giữ trong hệ thống nhà giam rộng khắp Tân Cương trong những năm gần đây.
Trung Quốc bác bỏ tất cả các cáo buộc lạm dụng.
Nhiều thương hiệu phương Tây như H&M, Burberry và Nike vấp phải làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc sau khi bày tỏ quan ngại về vấn đề lao động cưỡng ép ở Tân Cương.
Hồi tháng 3, Mỹ, EU, Anh và Canada áp biện pháp trừng phạt lên nhiều quan chức Trung Quốc vì cáo buộc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương. Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng biện pháp trừng phạt.