Vốn dĩ khung xe khách và xe tải loại này đều có kích cỡ lớn, nên việc di chuyển, dừng đỗ càng trở nên khó khăn, thậm chí khi vào phố cấm, chủ xe buộc phải vi phạm pháp luật về giao thông.
Đối với xe tải lớn, để vào được các điểm đăng ký nội thành Hà Nội là cực hình |
Thức trắng đêm đi đăng ký vẫn bị phạt
Anh Nguyễn Văn Thành, một chủ doanh nghiệp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, do hoạt động trong lĩnh vực vận tải chở hàng nên mỗi năm doanh nghiệp của anh thay mới hàng chục xe tải, từ loại xe tải 10 tấn đến xe siêu trường, siêu trọng. Anh Thành cho biết, những năm trước mỗi khi thay xe mới, công ty chỉ việc đưa xe ra các cơ sở đăng ký biển số xe của Phòng CSGT đóng ở ngoại thành hoặc làm các thủ tục từ xa theo hướng dẫn là đăng ký được biển số cho xe mới.
Tuy nhiên, gần một năm trở lại đây, anh Thành cho biết, việc này gặp vô vàn khó khăn khi các sơ sở đăng ký xe tại Hà Nội sắp xếp lại từ 5 cơ sở tại 12 quận nội thành xuống còn 3 cơ sở. Với các huyện ngoại thành thì đăng ký ô tô, xe máy tại công an huyện. Cùng với đó, Phòng CSGT Hà Nội cũng phân tuyến, tất cả xe tải trong đó có xe siêu trường siêu trọng, xe khách loại từ 9 đến 45 chỗ ở các quận nội thành phải đến 3 cơ sở đăng ký biển số trong nội thành. “Trụ sở doanh nghiệp tôi ở huyện Thường Tín, nhưng hộ khẩu thường trú, đăng ký kinh doanh của tôi ở quận Đống Đa nên theo quy định mới này toàn bộ xe tải tôi mua cho công ty không thể đăng ký ở ngoại thành (Thường Tín) mà phải đi vào nội đô để đăng ký biển số”, anh Thành nói.
Cũng theo anh Thành, từ Thường Tín mỗi lần đưa xe vào nội thành để đăng ký là một cực hình. Để không bị ùn tắc, thời gian qua anh và nhân viên thường phải ở lại trụ sở công ty đến khoảng 22h đêm để bắt đầu xuất phát vào điểm đăng ký số 1 của Phòng CSGT Hà Nội ở số 342B Thái Hà, sau đó chờ đợi đến 7h30 sáng hôm sau để CSGT làm thủ tục đăng ký xe, khám xe và “cà” lại số khung, số máy. Nếu xe nào không bị vướng thủ tục thì tầm 8h30 là làm xong đăng ký. Đến lúc làm thủ tục xong thì xe rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đi cũng dở (xe tải không được di chuyển trong phố cấm) mà ở lại trên đường cũng không xong (xe đỗ gây tắc đường phố Thái Hà). “Cảnh sát trật tự, Đội CSGT địa bàn nói sẽ cẩu xe nếu vẫn để xe đỗ trên đường nên lái xe buộc phải cho phương tiện di chuyển ra hướng phố Tây Sơn - Nguyễn Trãi để lên Vành đai 3 về Thường Tín, khi đó lần lượt bị các chốt CSGT trên các tuyến đường này xử lý vì lỗi đi xe tải vào phố cấm”, anh Thành buồn bã phản ánh.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, doanh nghiệp vận tải trong đó có nhiều hội viên của hiệp hội đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong việc đăng ký biển xe mới. Ông Bằng cho biết, đã nhiều lần nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc phải đi lại nhiều ngày đến cơ sở đăng ký xe số 2 của Phòng CSGT ở số 1234 đường Láng mà vẫn không thể đăng ký được “lô” xe khách thay mới. Lý do, mặc dù đến điểm đăng ký chờ từ rất sớm nhưng khâu giải quyết thủ tục mất nhiều thời gian nên gặp giờ cao điểm, xe lại phải được đánh ra ngoài đường Vành đai 3. Cuối cùng doanh nghiệp phải dùng nhiều biện pháp mới đăng ký được cho lô xe của mình.
Các cơ sở đăng ký xe Hà Nội có làm trái chỉ đạo?
Cho ý kiến về việc trên, đại diện các đội đăng ký xe trên địa bàn Hà Nội cho biết, việc yêu cầu đưa xe đến các điểm đăng ký xe để khám xe, cà số khung, số máy trực tiếp là yêu cầu mới được quy định trong Thông tư số 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, thực hiện từ tháng 7/2023. Cùng với việc cá nhân, tổ chức đưa xe đến cơ sở đăng ký, với các đơn vị có nhiều xe tải, xe khách cần phải đăng ký, chủ doanh nghiệp, tổ chức cần có công văn đề nghị, cơ sở đăng ký của CSGT sẽ đến trực tiếp đơn vị để kiểm tra xe, làm thủ tục cấp biển số cho phương tiện.
Tuy nhiên, khi phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi, sau khi doanh nghiệp có công văn đề nghị thì trong thời gian bao lâu đội đăng ký xe sẽ bố trí người đến kiểm tra, chỉ huy các cơ sở đăng ký xe tại Hà Nội đều không trả lời được mà cho biết, tùy thuộc vào công việc tại cơ sở đăng ký và sự cho phép lãnh đạo cấp trên.
Các điểm đăng ký xe ở nội thành Hà Nội luôn kín chỗ xe con xếp hàng |
Chiều 8/4, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Phòng CSGT Hà Nội cũng cho rằng, việc người dân tại 12 quận nội thành đưa xe đến 3 cơ sở đăng ký biển số cho xe tải loại lớn và xe khách sẽ có một số khó khăn với người dân vì xe to không vào được phố cấm. Tuy nhiên, lãnh đạo phòng đã họp và có chủ trương tháo gỡ. Theo đó, Phòng CSGT Hà Nội đã xác định một số vị trí, địa điểm ngoài Vành đai 3 gồm khu vực gần sân vận động Mỹ Đình, phía ngoài cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì…để đội đăng ký xe căn cứ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp sẽ bố trí bãi tập kết xe tải, xe khách có nhu cầu làm thủ tục kiểm tra, cấp biển số cho phương tiện. Ông Nghĩa không đưa ra yêu cầu doanh nghiệp phải có công văn đề nghị cán bộ đến kiểm tra, hoàn thiện thủ tục cấp biển số xe.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Thông tư 24 của Bộ Công an quy định rất rõ: cơ quan đăng ký xe có trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất, bố trí địa điểm thuận tiện để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục đăng ký xe, ưu tiên tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đăng ký xe trên cổng dịch vụ công. Với địa điểm đăng ký xe, phải có sơ đồ chỉ dẫn, lịch tiếp dân, biển chức danh của cán bộ đăng ký xe, có chỗ ngồi, chỗ để xe, có hòm thư góp ý và niêm yết công khai các quy định về thủ tục đăng ký xe…
Với Hà Nội, nếu giờ cao điểm hoặc ban ngày cấm đường với xe có trọng tải lớn thì phải có giải pháp để người dân, doanh nghiệp đưa xe ra khu vực ngoại thành để đăng ký, không thể cản trở, gây khó khăn trong công tác này.
Theo quy định, UBND thành phố Hà Nội nghiêm cấm hoạt động vào ban ngày trên các tuyến đường bộ khu vực nội đô (từ Vành đai 3 trở vào) và địa bàn các quận Hà Đông, Long Biên, Hà Nội đối với các loại ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe cho phép từ 1,5 tấn trở lên; xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Những loại xe này chỉ được hoạt động từ 21h00’ đến 6h00’ sáng ngày hôm sau.