Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái

TPO - Nhiều ngày nay, bất kể thời tiết nắng nóng gay gắt, khắp các tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) rộn rã tiếng hô hào của người dân đang cùng nhau đan rọ, bê đá, vá đường nhằm thông tuyến để bà con đi lại thuận tiện.

Theo báo cáo của UBND huyện Văn Yên, sau cơn bão số 3, trên các đường giao thông nông thôn có 108 điểm sụt sạt ta luy âm tại 18 xã cùng 350 điểm sạt ta luy dương với khối lượng gần 300 nghìn khối đất đá. Ngoài ra, nhiều điểm đường bị đứt gãy, xói lở làm ảnh hưởng đến việc lưu thông và phát triển kinh tế của địa phương, tổng dự toán khắc phục khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Ngay sau khi bão tan, khắp các địa phương của huyện Văn Yên, cấp ngành cùng người dân thôn bản đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để sớm thông tuyến, tạo điều kiện cho người dân giao thương hàng hóa, đưa học sinh đến trường.

Ròng rã hơn một tuần qua, 40 hộ dân tại thôn Liên Sơn, xã Lang Thíp hăng say tham gia sửa tuyến đường vào thôn bị hỏng do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Trên đường, tiếng máy móc xen lẫn tiếng cuốc xẻng và hô hào của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên cùng đông đảo người dân đang khẩn trương sửa chữa, khắc phục các điểm sạt lở lớn.

Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái ảnh 1Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái ảnh 2Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái ảnh 3Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái ảnh 4

Người dân chung tay sửa đường.

Theo ghi nhận của phóng viên, con đường độc đạo từ thôn kết nối với Trung tâm xã nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng, người dân gần như bị cô lập. Đường hỏng, trẻ em khó khăn trong việc đến trường, việc giao lưu, trao đổi hàng hóa cũng không thể thực hiện, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của bà con.

Trao đổi với Tiền Phong, anh Đặng Ton Nga - Trưởng thôn Liên Sơn cho biết, tuyến đường bê tông vào thôn từng được thi công theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm” trị giá trên 1 tỷ đồng.

Từ khi có đường, nhân dân đi lại thuận tiện, nông sản vừa dễ tiêu thụ lại bán được giá cao. Vì vậy, khi mưa, lũ gây sạt lở đất, lo mất đường là mất cả, bà con chung tay khắc phục.

Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái ảnh 5Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái ảnh 6

Mọi người phân công nhau bê đá, đan rọ sắt.

Với phương châm "Chung tay cứu lấy con đường”, "đường ta sửa để ta đi”, bà con ai cũng nhiệt tình tham gia. Được sự hỗ trợ của các cấp về rọ đá, dầu máy, địa phương đã huy động 2 máy xúc, 2 xe tải tại chỗ, cùng hàng trăm ngày công để kè 40 rọ đá và hàng trăm m3 đất.

Mỗi gia đình luân phiên nhau, người khỏe đập đá, đan rọ sắt, xây kè, người yếu hơn thì nhặt đá, cào đất, hót dọn đất đá. Mỗi người góp một tay, lo một việc, chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục điểm xói mòn ta luy âm được củng cố bằng các rọ đá chắc chắn, những điểm sạt lở được hót dọn sạch sẽ...

Chị Hầu Thị Mỷ - người dân thôn Liên Sơn chia sẻ, những ngày qua, từ 7h sáng đến 11h trưa và từ 13h đến 17h chiều, khoảng 80 người dân trong thôn chia làm các đội để tham gia sửa chữa đường, người bê đá, người hót đất để tuyến đường nhanh chóng hoàn thành.

Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái ảnh 7Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái ảnh 8Đan rọ sắt, đập đá, xây kè vá đường ở Yên Bái ảnh 9

Phong trào đang lan tỏa rộng khắp tại các địa phương bị ảnh hưởng do hoàn lưu cơn bão số 3.

Ông Lê Minh Lập - Chủ tịch UBND xã Lang Thíp cho hay, toàn xã có 55 điểm sạt lở với khối lượng đất đá tràn vào khoảng gần 61.000 m3. Hiện tại, đã khắc phục được 24 điểm, các tuyến đường đã tạm thời được thông tuyến, giúp người dân di chuyển được bằng xe máy, đưa học sinh đến trường.

Từ địa phương đi đầu trong phong trào "Chung tay cứu lấy con đường", hiện khắp các địa phương trên địa bàn huyện Văn Yên, người dân nô nức cùng nhau bắt tay vào việc khắc phục những thiệt hại do bão lũ gây ra.

Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, sau bão số 3 có rất nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện bị sạt lở hàm ếch, ta luy, nếu không tìm cách sửa chữa ngay thì nguy cơ mất đường là rất lớn. Hiện nay phong trào "chung tay cứu lấy con đường" đang phát triển rất mạnh ở một số xã, có sức lan tỏa rất lớn.

Thời gian qua, về cơ bản các điểm sạt lở đường đã được khắc phục. Những điểm xói mòn ta luy âm, hở hàm ếch đang được các phòng ban chuyên môn cấp rọ sắt để người dân cùng chính quyền địa phương kịp thời sử dụng, sớm khắc phục đảm bảo việc giao thông thuận lợi.

MỚI - NÓNG
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
'Không thể ỷ lại, bấu víu vào bầu sữa ngân sách'
TPO - Theo tờ trình mới nhất, Chính phủ đề xuất tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 dự kiến là hơn 256.000 tỷ đồng. Chương trình được thực hiện trong 11 năm với các giai đoạn cụ thể. Nhiều chuyên gia văn hóa khẳng định ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa là vô cùng cần thiết nhưng không nên bấu víu vào “bầu sữa” ngân sách.