Dự án đường Cao Bá Quát - cầu Lùng, Khánh Hòa:

Dân phải đi, trụ điện ở lại

Dân phải đi, trụ điện ở lại
TP - Người dân xã Diên An (Diên Khánh) lo ngại, tuyến đường sắp mở sẽ xáo trộn môi trường, địa lý, phong thuỷ và cả văn hoá tâm linh của nơi họ đã cư trú lâu đời.
Dân phải đi, trụ điện ở lại ảnh 1
Di dời khu dân cư hay di dời trụ điện, cách nào hơn?

Dự án đường Cao Bá Quát - cầu Lùng (CBQ-CL) là trục giao thông chính của Khu đô thị Tây Nha Trang (KĐTTNT) trong tương lai, đồng thời là đoạn đầu của đường Nha Trang – Đà Lạt, được UBND tỉnh Khánh Hoà cho phép lập dự án đầu tư từ cuối năm 2002.

Chiều dài toàn tuyến từ điểm đầu tại ngã ba Cao Bá Quát – Lê Hồng Phong (Nha Trang) đến điểm cuối tại QL1A ở phía Bắc cầu Lùng (thị trấn Diên Khánh) là 9.947m, tổng mức đầu tư khoảng 973 tỷ đồng. Cơ quan tư vấn đưa ra 2 phương án (PA) cho đoạn từ cầu Đường Sắt đến cầu Lùng.

PA 1, tuyến tránh sông Đồng Đen, có một đỉnh tại đường vào nghĩa trang Diên An với góc giao 169021’48” nhưng vướng 8 trụ điện cao thế. PA 2, tuyến tránh hàng trụ điện nên phải cắt sông Đồng Đen 2 lần, có một đỉnh với góc giao 1750 50’50”, đi qua thôn Phú Ân Nam và thôn An Ninh, xã Diên An (Diên Khánh).

UBND tỉnh Khánh Hoà đã chủ trương chọn PA 2, nhưng không làm 2 cầu qua sông Đồng Đen mà lấp đoạn sông uốn cong có đường CBQ-CL đi qua, đào một đoạn sông mới thay thế đoạn bị lấp. PA này được cho là tiết kiệm kinh phí vì đường thẳng hơn, ngắn hơn.

Tuy nhiên, nhiều người dân thôn Phú Ân Nam và thôn An Ninh cho rằng, chiều dài tuyến của 2 PA chỉ chênh nhau vài chục mét. Về độ cong của PA 1, góc 1690 là góc rất lớn, hơn nữa chỉ giới đường tới 60m nên độ cong này không ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn, trong khi đó với PA 2 tuyến cũng không hoàn toàn thẳng.

Theo PA 1, đoạn đường qua 2 thôn hầu như trên cánh đồng, không phải giải toả nhà cửa, còn theo PA 2 sẽ có 2 khu vực thôn xóm bị giải toả để làm đường và đào đoạn sông mới. Sẽ có ít nhất 30 hộ dân bị giải toả trắng.

“Di dời mỗi trụ điện tốn có 7 triệu đồng, vậy sao không di dời 8 trụ điện, lại chọn cách di dời mấy chục hộ dân?” – Ông Kiều Hương ở thôn Phú Ân Nam hỏi.

Trong PA 2 có việc lấp - đào sông Đồng Đen, thực chất là chỉnh trị dòng sông, một việc không đơn giản. Nhưng, quy luật thuỷ văn của sông Đồng Đen ra sao, việc nắn dòng sẽ tác động thế nào tới môi trường, những điều quan trọng này hầu như chưa được xem xét.

Bác sĩ Kiều Xuân Cư, một cán bộ lão thành nêu hạn chế khác của PA 2, đó là dòng sông Đồng Đen ở trước chùa Thiên Lộc sẽ bị đào đổi dòng, chảy sát phía sau chùa là không nên. Lẽ nào các cơ quan có thẩm quyền lại cho phép hành xử như vậy đối với một ngôi chùa được dân làng Phú Ân dựng lên từ mấy trăm năm trước?!

“Tại sao lại chọn PA 2 trong khi PA 1 ít tốn kém hơn, ít tác động đến đời sống dân cư và môi trường hơn?” – Câu hỏi chất vấn này đã được đưa ra trong kỳ họp mới đây của HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa IV. Người được phân công trả lời là ông Nguyễn Công Định, GĐ Sở GTVT.

Theo ông Định, để so sánh phải thống kê toàn bộ khối lượng đền bù, giải tỏa, tính toán tổng mức đầu tư… theo từng PA. Nhưng tỉnh đã chủ trương chọn PA 2 vì thấy đảm bảo hơn về kỹ thuật, nên cơ quan tư vấn chỉ tập trung làm theo PA này.

Như vậy, rõ ràng đã không có sự so sánh toàn diện giữa 2 PA về môi trường, kinh tế, kỹ thuật, văn hoá, xã hội. Sự lo ngại và những kiến nghị của người dân là có cơ sở. Hiện tại, hồ sơ công trình đường CBQ-CL đang được hoàn tất, vẫn còn thời gian điều chỉnh để PA được UBND tỉnh Khánh Hoà phê duyệt là PA tối ưu, được người dân “tâm phục, khẩu phục”. 

MỚI - NÓNG