Để né thực phẩm bẩn trôi nổi, bày bán tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng Hà Nội chuyển sang “săn” đặc sản quê. Các mặt hàng như gà ta, gà đồi, lợn mán…được đặt mua từ người quen ở quê hoặc cửa hàng trung gian có uy tín.
Nhiều hộ gia đình ở chung cư hoặc bạn bè cùng cơ quan rủ nhau “đụng lợn” hoặc cùng đi chợ “quê”.
Nhiều chợ cóc mọc ra ngay ven quốc lộ và các cửa ngõ vào nội thành Hà Nội. Những món hàng được đem bán chủ yếu là con gà, quả trứng, rau vườn... với số lượng ít. Hiện khu chợ được nhiều người thành phố ưa chuộng là chợ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội).
Những khu chợ cóc mọc lên phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều người bỏ thói quen đi siêu thị, chợ đầu mối, thay bằng tìm đến những khu chợ cóc, chợ quê ở vùng ven Hà Nội.
Những loại rau vườn được người dân đem bán bớt khi không ăn hết lại là những món hàng được người thành phố ưa chuộng.
Tìm mua thực phẩm tận ruộng, rõ nguồn gốc là cách những người tiêu dùng đang tự bảo vệ mình và gia đình.
Là một trong những người tiêu dùng luôn đau đáu nỗi niềm thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Văn Dững (Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Nhà tôi 10 năm nay không mua thịt lợn chợ, 20 năm nay không ăn măng tươi chua ngâm ngoài chợ. Tôi tự tìm nguồn hàng thực phẩm thay thế và đặt mua thực phẩm sạch của người quen để họ cung cấp với giá họ thấy có lợi. Mình có thực phẩm sạch- ngon, họ được tin cậy và lợi ích”. Bên cạnh đó, ông Dững thường chia sẻ những hình ảnh và địa chỉ mua thực phẩm sạch cho người thân, bạn bè trên facebook để mọi người cùng biết.
Mỗi lần về chợ quê, người dân thành phố thường mua nhiều đồ để dự trữ và ăn trong nhiều ngày liền.
Được biết, việc đi chợ quê mỗi cuối tuần hoặc đặt người thân, người quen nuôi gà, lợn ở quê đang là xu thế của người dân thành phố. Chi phí săn thực phẩm quê, thực phẩm sạch có khi tốn gấp đôi, thậm chí gấp ba giá thị trường nhưng vì vấn đề sức khỏe nên nhiều người tiêu dùng không đắn đo.
Nhiều gia đình tìm phương án săn hàng sạch kết hợp “công du cuối tuần”. Nhiều hộ gia đình liên kết chung tiền mua giống, thuê người nuôi rồi cùng nhau mổ thịt. Đồng thời, thuê máy và thợ làm giò, chả về làm.
Một số hộ gia đình ở quê nhận “nuôi lợn, gà, vịt thuê” cho khách hàng thành phố.