Ở một số khu vực đã dồn điền đổi thửa, người dân thuê máy gặt với giá khoảng 150.000-200.000 đồng mỗi sào. Người vận hành máy gặt phải bịt kín từ đầu đến chân vừa để tránh nhặm, vừa để chống nắng.
Còn ở những thửa ruộng nhỏ hoặc ở cánh đồng xa, máy gặt không đến thì người nông dân vẫn phải gặt bằng tay. Vào vụ mùa, giá thuê một người gặt lúa trong đợt nắng nóng kỷ lục có thể lên đến 300.000 đồng/ngày. Vì vậy, mọi người thường tự gặt hoặc đổi công cho nhau.
Chị Nguyễn Thị Tuyết hàng ngày làm công nhân nhưng đến chủ nhật, chị ra đồng gặt giúp đỡ gia đình. Chị cho biết do thường ngày chỉ làm việc trong nhà nên khi gặt lúa dưới cái nắng 41 độ C, chị cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.
Mỗi khi ra đồng trong cái nắng kỷ lục, chai đá hoặc xô nước mát là vật không thể thiếu của người nông dân.
Khi mệt mỏi, việc uống một ngụm nước đá sẽ làm cho người thợ gặt “tỉnh cả người”.
Những người nông dân cũng tận dụng luôn xe chở lúa để trú mỗi khi cần nghỉ ngơi.
Nắng nóng cũng làm cho giờ ra đồng của bà con nông dân muộn lại. Bà Thu (58 tuổi) cho biết ngày thường lúc 14h bà xuất hiện tại đây nhưng trong cái nắng 41 độ C, phải hơn 15h bà mới có thể ra đồng làm việc.
Một số người chọn cách đi gặt từ 3-4h sáng. Đến 7-8h sáng, khi mặt trời lên thì họ sẽ thu lúa trở về để tránh nắng.
Trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Hà Nội, 18h chiều, ánh nắng vẫn chói chang và nhiệt độ vẫn ở ngưỡng 37-38 độ C.
Vất vả nhất là những người chủ máy vò lúa. Ông Hồng cho biết hàng ngày ông phải làm việc từ 5h đến 20h.
Cả cánh đồng, ai cũng trông vào cái máy vò. Bởi lúa gặt xong rồi, nếu không vò kịp trong ngày, người nông dân sẽ khó chuyển về nhà hoặc có thể bị rơi rụng.
Nắng nóng, vất vả là vậy nhưng khi tạm nghỉ, người chủ máy vò lại tươi cười, vui vẻ với công việc của mình.
Theo trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, đợt nắng nóng kỷ lục sẽ kéo dài hết ngày 5/6. Sau đó, nhiệt độ sẽ giảm và có thể có mưa rào.