Dân được giám sát lối sống của cán bộ, đảng viên

Dân được giám sát lối sống của cán bộ, đảng viên
Dự thảo Quy chế MTTQ tham gia giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ nhất.

Phó chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường:

Dân được giám sát lối sống của cán bộ, đảng viên

Phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam - về quy chế mới này.

Cán bộ nắm giữ chức vụ nào cũng bị giám sát

+ Thưa ông, theo quy chế này, có thể hiểu là tất cả mọi người dân đều có quyền giám sát đảng viên, cán bộ, công chức sinh sống trên địa bàn?

- Đúng vậy! Bởi vì trong các nghị quyết của Đảng đều đã nêu nội dung này, trong Pháp lệnh cán bộ, công chức cũng vậy. Như thế, việc  nhân dân có quyền giám sát là nội dung đã được hiến định.

+ Và mọi đảng viên, cán bộ, công chức bất kể nắm giữ chức vụ nào cũng đều là đối tượng giám sát của người dân?

- Trong quy chế chúng tôi sẽ cụ thể hoá  thành cơ chế giám sát theo điều 8 của Hiến pháp là nhân dân có quyền giám sát cán bộ, công chức nhà nước. Mọi cán bộ, bất kể giữ chức vụ gì cũng đều chịu sự giám sát của nhân dân.

+ Theo dự thảo quy chế, người dân có quyền giám sát cả cá nhân lẫn tổ chức. Vậy hoạt động của một bộ nào đó đóng trên một địa bàn thì người dân ở đó có quyền giám sát hoạt động của bộ?

-Theo kết luận của Ban Bí thư thì người dân có thể giám sát đối với cả cá nhân, tổ chức nhà nước. Như vậy, cơ quan nhà nước mà nằm trên địa bàn khu dân cư của tôi, quá trình tôi theo dõi hoạt động của cơ quan đó thấy có việc như vi phạm pháp luật chẳng hạn thì tôi hoàn toàn có quyền tố cáo.

+ Người dân có quyền giám sát nhưng sẽ giám sát bằng cách nào, thưa ông?

- Theo dự thảo, có mấy kênh để người dân thực hiện quyền giám sát. Thứ nhất là gửi đơn, thư đến hòm thư giám sát của MTTQ. Thứ hai, nhân dân có quyền gửi đơn, thư phát hiện, kiến nghị đến cơ quan quản lý cán bộ, công chức đó. Nếu người đó thuộc các cơ quan chuyên trách Đảng thì gửi đến cơ quan Đảng.

+ Nếu muốn giám sát Bí thư Tỉnh ủy thì người dân gửi đơn đến đâu?

- Bí thư Tỉnh ủy do Bộ Chính trị quản lý. Như vậy, người dân sẽ gửi đơn thư đến Bộ Chính trị.

Cưới xin, lễ tết cũng phải giám sát

+ Thưa ông, Thủ tướng vừa có chỉ thị trong đó có nêu  cấm mang hoa, quà tặng đến nhà cấp trên trong dịp Tết. Nếu như quy chế giám sát có hiệu lực thì người dân có quyền giám sát những việc như thế không?

  - Thủ tướng đã có văn bản như vậy thì người dân có quyền giám sát việc thực hiện văn bản đó. Nếu phát hiện mang hoa, quà tặng đến thì nhân dân có quyền kiến nghị với cơ quan Nhà nước về việc không chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư thì chủ yếu là giám sát đời sống của họ.

SẼ THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM TẠI HÀ NỘI VÀ TP HCM
Về nội dung các cơ quan chức năng phải trả lời đơn thư của người dân trực tiếp gửi đến hoặc qua MTTQ cấp xã khi họ thực hiện quyền giám sát, bà Phạm Thị Trân Châu, ủy viên Đoàn Chủ tịch cho  rằng rất khó khả thi vì thiếu chế tài. “Ngay cả Quốc hội giám sát mà một số cơ quan còn im lặng vì chưa có chế tài cụ thể. Mặt trận người ta không “nể” bằng Quốc hội đâu, quy định thiếu cụ thể không khéo việc này sẽ trở thành hình thức”- bà Châu nói.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ông Phạm Quốc Anh cũng tỏ rõ sự lo ngại. Ông nói,  “việc mở hòm thư giám sát ở MTTQ cấp xã không khéo Mặt trận sẽ “hứng đòn” trước tình trạng tố cáo lung tung. Mà Mặt trận chũng chỉ có chức năng “kính chuyển” đơn thư thì rất khó giải quyết được”.  Ông Quốc Anh kiến nghị nên thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm.  Còn GS. VS Vũ Tuyên Hoàng đề cập cụ thể “tôi vừa đi ăn cưới về nhưng rất băn khoăn thế nào là tổ chức đám cưới một cách vụ lợi? Nói người ta vụ lợi không khéo người ta đánh cho”. Ông Vũ Tuyên Hoàng góp ý cần phải làm từng bước là trước tiên nên thí điểm để có cơ sở triển khai tiếp, nếu không “nêu ra mà chả ai làm thì sẽ lôi thôi, lắm chuyện lắm”.
Theo Chủ tịch Phạm Thế Duyệt, sau khi thảo luận, tiếp thu ý kiến của các vị trong Đoàn Chủ tịch,  dự thảo quy chế sẽ được đưa ra thảo luận rộng rãi hơn tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý sẽ chuyển sang để Chính phủ ban hành nghị định về việc thực hiện quy chế. “Sẽ thực hiện thí điểm tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM để có cơ sở hoàn thiện quy chế trước khi triển khai rộng rãi”, Chủ tịch cho biết.
   

+ Những việc kiểu như cưới xin, ma chay, hay các dịp hiếu hỉ tổ chức linh đình thì người dân có quyền giám sát không?

- Trong dự thảo có quy định việc người dân được giám sát  việc tổ chức cưới, các ngày lễ tết, sinh nhật… của gia đình cán bộ công chức nếu thấy quá linh đình, tốn kém và có mục đích trục lợi. Không những vậy, người dân còn có thể giám sát những biểu hiện, những vụ việc kiểu như chạy chức, chạy quyền; rượu chè bê tha, cờ bạc ảnh hưởng đến nhân cách cán bộ hay quan hệ nam nữ bất chính trái Luật Hôn nhân gia đình…

+ Như thế việc giám sát quả thực rất khó. Như ở Hà Nội, gia đình cán bộ tổ chức lễ cưới ở khách sạn thì người dân ở khu vực khách sạn đó hay người dân ở khu vực gia đình cán bộ đó sẽ thực hiện quyền giám sát?

- Nhân dân có rất nhiều tai mắt và họ cũng có rất nhiều kênh để giám sát, chứ không hẳn người ta cứ phải đến dự đám cưới thì mới biết đám cưới to hay nhỏ. Tôi nghĩ rằng người dân sẽ có nhiều cách để phát hiện. Nhưng phát hiện bằng cách nào cũng phải đảm bảo tính chính xác.

Sau 30 ngày: Phải trả lời dân

+ Hệ quả pháp lý của việc người dân giám sát được quy định thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi có nêu mấy cơ chế trong dự thảo. Thứ nhất  các cơ quan nhà nước khi nhận đơn thư giám sát của người dân về cán bộ hay về công việc của mình thì chậm nhất là trong 30 ngày phải trả lời. Sau khi có kết quả 7 ngày phải thông báo đến người gửi đơn thư.

+ Việc này có khả thi hay không khi mà thực tế hiện nay ngay cả đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát vẫn còn chưa được cơ quan chức năng trả lời theo luật định?

- Dự thảo của chúng tôi có  một số điểm mới như trả lời trực tiếp nhân dân trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn. Nếu như được Chính phủ đồng ý thì chắc chắn các cơ quan phải thực hiện theo quy định đó.

+Nếu như qua giám sát người dân tố cáo là đúng thì cán bộ, đảng viên sẽ bị xử lý ra sao?

- Phải tuỳ theo mức độ vi phạm của cán bộ, đảng viên mà xử lý. Nếu qua quá trình giám sát mà phát hiện cán bộ, đảng viên có tội thì phải đưa ra toà.

Không gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống cán bộ

+ Thưa ông, mọi người dân  đều được quyền giám sát thì liệu có ảnh hưởng đến công việc, đời sống riêng tư của cán bộ, đảng viên và gia đình họ?

- Trong dự thảo chúng tôi cũng đưa ra quy định quá trình hoạt động giám sát phải theo quy định trong quy chế này và những văn bản quy pháp pháp luật khác, không được làm ảnh hưởng hoặc cản trở đến công tác của cán bộ, đảng viên cũng như  đời sống của gia hình họ. Vì thế, việc này được quy định hết sức chặt chẽ trong quy chế để ngăn ngừa việc lợi dụng dân chủ, lợi dụng quy định của pháp luật để vi phạm đến nhân phẩm, danh dự của cán bộ, đảng viên.

+ Nhưng thưa ông, giới hạn của sự giám sát với sự nhòm ngó, tò mò nhiều khi rất mong manh. Ví dụ gia đình cán bộ nào đó có việc gì chẳng hạn, để thực hiện quyền giám sát người dân cứ nhòm ngó vào thì có nên không?

- Cái đó là hiện tượng thôi, pháp luật thì không thể quy định cụ thể về sự thập thò đó được. Thế nhưng chúng tôi quy định hết sức rõ ràng về các hình thức giám sát như phản ánh trực tiếp với mặt trận, lãnh đạo của các đoàn thể, rồi gửi đơn thư đến thẳng cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên đó.

+ Nhưng người dân phải có thông tin về cán bộ, đảng viên đó thì mới giám sát được?

- Có rất nhiều cách để người dân nắm được thông tin và cách thu thập thông tin thế nào thì mỗi người phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật vì điều này pháp luật đã quy định hết sức cụ thể.

+ Là một trong những người tham gia soạn thảo, ông thấy tác dụng lớn nhất của quy chế này là gì?

- Điều chúng tôi kỳ vọng nhất là góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh cũng như góp phần giúp cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quản lý đảng viên, cán bộ của mình một cách đúng quy định hơn, chặt chẽ hơn. Chúng tôi nghĩ, quy chế này chỉ có lợi cho Đảng, cho Nhà nước.

+ Xin cảm ơn ông!

GIÁM SÁT CẢ VIỆC CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN, CHẠY TỘI...

 Người dân có quyền giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ ở những nội dung sau đây:
1. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái với quy định của nhà nước;  đưa nhận hối lộ để chạy chức chạy quyền, chạy tội, chạy học vị, chạy bằng cấp, chạy công trình, nhà đất…
2. Gây phiền hà, đòi hỏi điều kiện để giải quyết việc cấp phép, chứng thực, xác nhận cho công dân khi thi hành công vụ.
3. Tổ chức, tham gia đánh bạc, số đề, cá cược; uống rượu bia đến mức bê tha mất tư cách và các tệ nạn xã hội khác như: tổ chức, môi giới, buôn bán, sử dụng chất ma tuý, hoạt động mại dâm.
4. Mê tín, hoạt động mê tín như hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói, lập đền, miếu trái phép, tham gia tà đạo…
5. Tổ chức tiệc cưới, các ngày lễ tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, mừng thọ, mừng nhà mới, tổ chức tang lễ…nhằm mục đích vụ lợi.
6. Không trung thực kê khai nhà, đất, có bất minh về nhà đất và các tài sản khác.
7. Quan hệ nam nữ bất chính, vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình, không gương mẫu, trung thực thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình.
                          (Nguồn: Dự thảo quy chế MTTQ Việt Nam tham gia
                         giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư)

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.