Đám cưới thời 4.0

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời nay, đi mua rau ngoài chợ cũng không cần mang theo tiền mặt, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Những chị bán rau hầu hết đều “thủ” sẵn mã QR. Có cô giáo nói, bây giờ phụ huynh cũng dùng hình thức chuyển khoản thay quà tặng giáo viên ở những dịp lễ, tết. Cô giáo cũng vui vẻ đón nhận… Nhưng riêng ở đám cưới, quét mã QR thay quà tặng cô dâu, chú rể vẫn có người ủng hộ, người băn khoăn.

Nhà văn Dương Hướng cười: “Hơi lạ. Tôi chưa nhận kiểu thiếp này bao giờ”. Nhưng ông cũng dự cảm, quét mã QR trong đám cưới sau này có thể được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Phóng viên trò chuyện với GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Dưới góc nhìn của nhà văn hoá, ông nhận xét thế nào về hình thức chuyển khoản mừng đám cưới? GS.TS Lê Hồng Ý đáp: “Xã hội đang chuyển đổi mạnh mẽ thì sẽ có những hình thức như vậy”.

Đám cưới thời 4.0 ảnh 1

Đám cưới của 51 cặp đôi khuyết tật tháng 10 năm 2023 gây xúc động

Một lần dự đám cưới ở Hà Nội, phóng viên từng nghe một bạn trẻ than: “Thời 4.0, dùng hình thức chuyển khoản cho cô dâu, chú rể đỡ phiền hơn dùng tiền mặt. Nhiều khi trong ví không có một đồng tiền mặt, đã thế lại còn loay hoay tìm phong bì với cây bút. Quẹt mã QR cũng đỡ phải lo quản lý thùng tiền cưới”.

Nhưng mã QR nên công khai ở đâu? Tại bàn tiệc cưới hay trên thiếp cưới? Hay dán tuỳ tiện ở nơi tổ chức tiệc cưới? Dù gì, hình thức này cũng gây khó khăn ít nhiều cho những người lớn tuổi ngại công nghệ. Chưa kể chuyển khoản đôi khi gặp trục trặc, như người ta vẫn nói vui “hiện đại hại điện”.

Có thể vì còn gây tranh cãi nên hình thức quét mã QR tặng quà cô dâu, chú rể chưa trở nên phổ biến. Nhạc sĩ Tiến Luân ở Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận: “Tôi chưa từng dự đám cưới công khai mã QR”.

Không chỉ ở Việt Nam, ngay tại Trung Quốc, chuyển khoản mừng cưới cũng hiếm. Tiến sĩ Triệu Thị Kiều Dung, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng, nhiều năm học tập ở Trung Quốc chia sẻ: “Ở một số vùng Quảng Tây khách đến dự đám cưới mang theo hồng bao (phong bao màu đỏ) tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc. Tôi chưa từng thấy quẹt mã QR để mừng quà cô dâu, chú rể, dù Trung Quốc số hoá mạnh”.

Tiến sĩ văn học Bùi Thiên Thai cũng có thời gian học tập và làm việc ở Trung Quốc lại có cái nhìn cởi mở với hình thức chuyển khoản đám cưới: “Trung Quốc quá rộng, mỗi nơi mỗi khác, nên có thể đâu đó có hình thức quét mã mừng cưới thì sao? Nhưng tôi thấy quét mã cũng bình thường, nhất là khi bận không tới dự được”.

Hành trình từ quà tặng đến phong bì

Đám cưới thời 4.0 ảnh 2

Đám cưới độc - lạ chỉ nhận sách, không nhận phong bì

Ở Việt Nam dùng tiền mừng đám cưới có từ năm nào? Xuất hiện đầu tiên ở đâu? GS.TS Lê Hồng Lý không nghiên cứu về đám cưới Việt nhưng ông hứng thú với câu hỏi này và đoán: “Chắc từ Sài Gòn ra. Ngay cả MC đám cưới, nhạc sống đám cưới, thiên thần theo cô dâu trong đám cưới, cũng từ Sài Gòn ra. Ở miền Bắc ngày xưa chỉ có đại diện hai họ nói dăm câu ba điều”.

Đám cưới của tác giả “Bến không chồng” diễn ra ở vùng quê ven biển Thái Bình trong thập niên 70, thế kỷ 20: “Thời chúng tôi đám cưới đơn giản, không ăn uống, chỉ có chè và thuốc lá, thuốc Sông Cầu, đã là oai lắm rồi. Không phải chè khô mà là chè tươi, nấu trong một nồi to rồi rót ra bình. Rất hiếm đám cưới có bánh kẹo, hoa quả. Khách đến dự đám cưới đã làm cô dâu, chú rể vui rồi. Hồi đó người ta không tặng quà cưới, chưa nói đến tiền như sau này.

Vợ chồng tôi không nhận được gì từ khách, ngoài tấm lòng. Mãi sau này mới có chuyện tặng bát đũa, ấm chén cho cô dâu, chú rể. Đón dâu bằng xe đạp, nếu ở xa. Còn ở gần, trong thôn, trong xóm, thì đi bộ. Cả đoàn dài rong ruổi trên đường. Rất vui. Cưới vợ cũng chẳng tốn bao nhiêu.

Tôi chỉ chuẩn bị mấy tút thuốc. Thậm chí đoàn thể còn đứng ra tổ chức đám cưới tập thể. Cô dâu không mặc áo dài hay váy, có áo cánh trắng mặc đã là diện rồi. Đám cưới cũng có văn nghệ, người ta đứng lên hát, không cần sân khấu, cũng chẳng cần MC”. (Nhà văn Dương Hướng tiết lộ, trong cuốn tiểu thuyết sắp hoàn thành, ông dành một chương, chương 12, viết về đám cưới thời chiến. Đó là một đám cưới không có chú rể vì chú rể có lệnh phải đi gấp không kịp có mặt trong đám cưới của mình).

Một họa sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhớ lại, đám cưới của anh, thập niên 80 thế kỷ 20, đã có lệ mừng tiền: “Nếu chỉ tiệc trà thì khách mang theo quà tặng còn nếu được mời ăn cơm thì khách có tiền mừng. Thường như thế. Tiền mừng được đưa tận tay mẹ cô dâu và mẹ chú rể. Vì bố mẹ đứng ra tổ chức đám cưới cho các con”.

Nhạc sĩ Tiến Luân xác nhận, ở Sài Gòn, đám cưới của ông, thập niên 80, thế kỷ 20, cô dâu chú rể đã nhận được tiền mừng cưới: “Nhưng lúc ấy, đám cưới tổ chức ở nhà chứ chưa ra nhà hàng, khách sạn sang trọng như sau này”.

Thời 4.0, không chỉ có đám cưới quẹt mã QR, còn có cả những đám cưới từ chối nhận phong bì, chỉ nhận sách. Cách đây chừng 2 năm có một cặp đôi tổ chức đám cưới ở đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TPHCM. Đám cưới đơn giản, tiết kiệm nhưng đầy ý nghĩa. Vì những cuốn sách họ nhận được từ khách mời sẽ được chuyển tới trẻ vùng cao. Cặp đôi đã tham gia hoạt động thiện nguyện này từ nhiều năm.

Ngoài những đám cưới độc, lạ, ở ta những năm qua không thiếu những đám cưới xa hoa. Đám cưới của một cặp đôi người Việt diễn ra tháng 3 năm 2014, tại một khách sạn sang trọng ở Hà Nội, ghi nhận tiêu tốn cả triệu đô-la cho hoa trang trí. Chiếc cổng hoa được kết từ 5000 bông hồng tươi.

Mới đây, đám hỏi của diễn viên Hà Trí Quang - Thanh Đoàn ở Đồng Tháp cũng gây chú ý. 3 tấn hoa tươi được dùng cho ngày đặc biệt của cặp đôi. Hà Trí Quang cũng gây choáng với sính lễ hỏi cưới Thanh Đoàn. Tuy nhiên, khán giả vẫn cảm động khi Hà Trí Quang và bạn trai đồng giới đã vượt qua bao nhiêu sóng gió để có một cái kết viên mãn.

MC đám cưới vui tai hay… tra tấn?

Nói đến đám cưới thời nay, một vấn đề gây tranh cãi là MC và nhạc sống. Nhiều người cho rằng: Không có MC, không có ca nhạc, không ra đám cưới. Nhưng cũng có không ít người lại cảm thấy như bị tra tấn với những màn “bắn rap” liên tục của MC.

Cách đây nhiều năm, một nhà văn nổi tiếng tổ chức đám cưới cho con trai ở một khách sạn tại Hà Nội. Ông mời khá đông bạn bè trong làng văn nghệ tới dự. Một hoạ sĩ tên tuổi đến đám cưới chừng 10 phút, chưa kịp ăn uống, đã đứng dậy ra về, vì không chịu nổi sự ồn ào từ MC và ca sĩ nghiệp dư.

Nhưng ở chiều ngược lại, nghề MC đám cưới đã giúp cho không ít nghệ sĩ chuyên nghiệp có thêm thu nhập. Có những nghệ sĩ cải lương rất đắt “sô” làm MC đám cưới.

MỚI - NÓNG