Đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT trong mọi trường hợp

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.
TP - Thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến về việc Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) kết dư gần 39.000 tỷ đồng. Có người lo lắng liệu quyền lợi của người tham gia BHYT có bị thắt chặt lại để dư quỹ, đặc biệt khi Quỹ BHYT bội chi những năm gần đây. Để thông tin thêm về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.

Quỹ dự phòng cộng dồn nhiều năm

- Ông có thể nói rõ hơn về thông tin hết năm 2017, Quỹ BHYT đang kết dư gần 39.000 tỷ? 
Ông Đào Việt Ánh - PTGĐ BHXH Việt Nam: Phải khẳng định, trong mọi trường hợp, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT luôn được đảm bảo đúng và đầy đủ theo đúng quy định của Luật BHYT. Kể cả khi Quỹ khám chữa bệnh BHYT bội chi hay kết dư. 

Ông Đào Việt Ánh - PTGĐ BHXH Việt Nam: Theo quy định tại Điều 35, Luật BHYT: Hàng năm dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho Quỹ dự phòng. Vì vậy, nói chính xác số kết dư trên là quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT được tồn tích qua nhiều năm triển khai thực hiện Luật BHYT và còn đến cuối năm 2017.

Trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như ở Việt Nam, Quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT là cần thiết. Qua đó bảo đảm tính bền vững của chính sách BHYT, đảm bảo khả năng chi trả trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh. Đối với Việt Nam, quỹ dự phòng khám, chữa bệnh rất quan trọng, vì bên cạnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực thanh toán khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong khám, điều trị bệnh.

Cùng đó, thực tế năm 2017 và mấy năm vừa qua, chúng ta đã bội chi quỹ khám, chữa bệnh BHYT, phải sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp. Nếu chi phí khám, chữa bệnh không được kiểm soát tốt và quỹ dự phòng BHYT không còn đủ, khi đó sẽ phải điều chỉnh tăng mức đóng BHYT. Điều này sẽ tác động đến thu nhập của người dân, khả năng của doanh nghiệp, cân đối của ngân sách nhà nước và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Do đó, khi xem xét quỹ dự phòng phải tổng thể, tính đến xu hướng gia tăng chi phí khám chữa bệnh hàng năm, số chi khám chữa bệnh hiện tại (khoảng 90.000 tỷ đồng), mức độ bội chi quỹ khám chữa bệnh. Nếu không sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, quỹ dự phòng hiện tại sẽ không còn trong thời gian không dài.

Không ảnh hưởng quyền lợi người dân

- Một số ý kiến lo ngại việc để tồn tích Quỹ BHYT - nguồn quỹ ngắn hạn, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT, ông lý giải ra sao về vấn đề này?

Ông Đào Việt Ánh - PTGĐ BHXH Việt Nam: Tôi khẳng định, không có chuyện đó. Theo quy định pháp luật và quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, các bộ ngành chức năng và BHXH Việt Nam: Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT phải gắn liền với việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong mọi trường hợp, bảo đảm tốt nhất quyền lợi người tham gia BHYT luôn được xác định là mục tiêu tối thượng của quỹ BHYT. Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT cũng là mục đích duy nhất của quỹ dự phòng BHYT.

Trên thực tế, quyền lợi của người tham gia BHYT đang được bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định. Nếu ở đâu không thực hiện đúng sẽ bị xử lý nghiêm. Những năm gần đây, số người khám chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả, chi phí khám chữa bệnh BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước. Chỉ riêng năm 2017, cơ quan BHXH đã thanh toán cho gần 170 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, với số tiền chi trả trên 88.000 tỷ đồng. Trong đó, hàng ngàn trường hợp khám chữa bệnh với chi phí hàng trăm triệu đồng, có nhiều trường hợp được chi trả chi phí khám chữa bệnh hàng tỷ đồng.

Tôi xin nhắc, với tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT lớn như hiện nay (trong 2 năm, chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng gấp khoảng 1,8 lần), nếu không có biện pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, quỹ dự phòng không còn. Khi đó sẽ phải điều chỉnh mức đóng, sẽ tác động không nhỏ đến người dân, doanh nghiệp và xã hội.

- Một số ý kiến cho rằng, chính sách BHYT của chúng ta đang hướng tới một nền y tế giá rẻ, với danh mục thuốc nghèo nàn, ông ý kiến sao về vấn đề này?

 Ông Đào Việt Ánh - PTGĐ BHXH Việt Nam: Chúng ta phải hướng tới một nền y tế tiên tiến, hiện đại, công bằng trên cơ sở phát triển BHYT cơ bản và bổ sung. BHYT cơ bản để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản, thiết yếu cho mọi người dân, còn gói là dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả, như quy định của Luật BHYT. Bên cạnh đó phát triển BHYT bổ sung, cho những người có nhu cầu muốn hưởng cao hơn, chữa bệnh theo nhu cầu, tự chọn bác sĩ... 

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách BHYT tốt nhất thế giới. Mệnh giá thẻ BHYT của chúng ta hiện nay chỉ ở mức bình quân 30 - 40 USD/thẻ, trong khi danh mục thuốc BHYT của Việt Nam hơn 1.000 loại, rộng hơn rất nhiều nước (các nước trung bình có khoảng 700 loại thuốc).

Cùng với đó, chúng ta có hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật, trong đó nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn cũng được Quỹ BHYT thanh toán. Như vậy, nếu nói chúng ta hướng đến nền y tế giá rẻ với danh mục thuốc, dịch vụ y tế nghèo nàn là không đúng thực tế, thiếu khách quan và chưa hiểu đúng về chính sách.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Bộ Y tế vừa gửi tới Quốc hội, tính hết năm 2017, số người tham gia BHYT đạt 81,2 triệu người (tăng 5,3 triệu người so với năm 2016, vượt 3,78% so với kế hoạch Chính phủ giao). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,9% dân số (vượt 4,7% so với chỉ tiêu Thủ tướng giao). Quỹ BHYT dự phòng kết dư 37.947 tỷ đồng. Số kết dư này được sử dụng đầu tư sinh lời theo quy định của luật và được Hội đồng quản lý quý quyết định, với tỷ lệ bình quân 82% đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, 18% gửi các ngân hàng. Tổng số tiền lãi phát sinh từ đầu tư Quỹ BHYT giai đoạn 2016-2018 ước đạt 8.388 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lãi bình quân gần 7%/năm.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.