Đắk Lắk trước nguy cơ 'dịch chồng dịch' truyền nhiễm nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Số ca mắc bệnh chân tay miệng và sốt xuất huyết tại Đắk Lắk có dấu hiệu gia tăng, nguy cơ sẽ bùng phát mạnh trong khi tỉnh thiếu nguồn hóa chất phun phòng dịch.

Số ca mắc chân tay miệng gia tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Ghi nhận tại khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đang điều trị cho khoảng 70 bệnh nhi. Theo lãnh đạo bệnh viện, tính từ đầu tháng 7 đến nay, số ca mắc bệnh chân tay miệng nặng và rất nặng, gia tăng từ 300%-400% so với cùng kỳ năm trước.

Đắk Lắk trước nguy cơ 'dịch chồng dịch' truyền nhiễm nguy hiểm ảnh 1

Bác sỹ thăm khám bệnh nhân

Theo bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn, những năm trước, bệnh tay chân miệng ít có ca nặng, nhưng năm nay số ca bệnh nặng tăng. Bệnh nhân chuyển độ nặng rất nhanh, diễn tiến khó lường nên các y bác sĩ tại khoa phải theo dõi sát sao sức khỏe của từng trẻ để xử trí kịp thời.

Theo CDC tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng chống dịch, bệnh tay chân miệng. Ngành y tế tỉnh chỉ đạo các cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để khoanh vùng, xử lý ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông về phòng chống bệnh đến người dân.

Thiếu hóa chất phun phòng dịch

Theo thống kê của CDC tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 21/7, toàn tỉnh ghi nhận gần 800 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó có hơn 740 ca mắc sốt xuất huyết Dengue và sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, một trường hợp tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết xuất hiện tại 15/15 huyện, thành phố. Huyện Ea Kar, TP Buôn Ma Thuột, huyện Ea H’leo đang có số ca mắc sốt xuất huyết cao, ở mức báo động.

Tiến sĩ, bác sỹ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, trong khoảng 1 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng đột biến so với cùng kỳ tháng trước.

Đắk Lắk trước nguy cơ 'dịch chồng dịch' truyền nhiễm nguy hiểm ảnh 2

Cơ quan chức năng đi kiểm tra, phát hiện, loại bỏ các ổ loăng quăng

Theo bác sỹ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh chân tay miệng và sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp khi mới đầu mùa mưa đã có nhiều ca nhập viện.

Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, CDC Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát véc tơ, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng. CDC Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết tại nhà.

Bác sỹ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách CDC Đắk Lắk cho rằng, bắt đầu vào mùa mưa, thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển. Ngoài ra, người dân chủ quan phòng ngừa bệnh và công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế. Người bệnh thường tự điều trị tại nhà, khi có triệu chứng nặng khó điều trị, nguy cơ tử vong cao.

“Hiện nay, về hóa chất, CDC Đắk Lắk chỉ đủ để đáp ứng phun những ổ dịch. Chúng tôi, không đủ hóa chất để phun phòng, chống sốt xuất huyết trên toàn tỉnh”, ông Hoàng Hải Phúc cho biết thêm.

MỚI - NÓNG