“Đại sứ” tiếp sức chè Việt

Các chuyên gia thăm nhà máy chế biến chè theo mô hình sản xuất chè bền vững trong chương trình hợp tác của Unilever. Ảnh: T. Hương.
Các chuyên gia thăm nhà máy chế biến chè theo mô hình sản xuất chè bền vững trong chương trình hợp tác của Unilever. Ảnh: T. Hương.
TP - Ngành chè Việt Nam đang cần “tiếp sức” để đổi mới, tạo đột phá trong giai đoạn tới đây. Bằng mô hình hợp tác công tư, Tập đoàn Unilever như một “Đại sứ”, đã cam kết đồng hành với kế hoạch phát triển nguồn cung cấp chè nguyên liệu tại Việt Nam; cùng nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngành chè bền vững và đưa những sản phẩm chất lượng cao đến người tiêu dùng thế giới.

Nâng tầm cho sản phẩm chè Việt

Từ xưa, cây chè đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa của người Việt, và hiện đang là mặt hàng xuất khẩu giá trị lớn của nước ta. Việt Nam đang là nước sản xuất chè lớn thứ 5 trên thế giới, với khoảng 80% sản lượng chè phục vụ các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, giá cả và chất lượng chè Việt Nam còn tương đối thấp so với các quốc gia khác.

Theo các chuyên gia, để ngành chè phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao so với các nước trên thế giới, ngành chè cần phải nâng cao đồng bộ năng suất, chất lượng chè và đặc biệt là giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên chè... Nắm bắt được yêu cầu bức thiết trên, Tập đoàn Unilever đã khởi động Dự án hợp tác công - tư để giúp ngành chè Việt Nam phát triển bền vững, đưa những sản phẩm chè Việt lên kệ hàng của người tiêu dùng thế giới.

Dự án hợp tác công - tư giữa Bộ NN&PTNT và Unilever, do Unilever đề xuất với Chính phủ Việt Nam trên cương vị là thành viên của Nhóm Công tác phụ trách hợp tác công-tư về phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Mục tiêu dự án là nâng cao chất lượng và lợi thế cạnh tranh của chè nguyên liệu Việt Nam và tăng lượng chè đen xuất khẩu được chứng nhận bởi Tổ chức Rainforest Alliance lên 30.000 đến 35.000 tấn.

Để triển khai dự án hợp tác công - tư phát triển chè bền vững tại Việt Nam, Unilever đã hợp tác cùng IDH và Rainforest Alliance thực hiện chương trình lồng ghép các nông hộ sản xuất nhỏ vào chuỗi cung ứng chè chất lượng và bền vững ở Việt Nam. Chương trình hợp tác 3 bên này góp phần cải thiện tính bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội cho các nông hộ sản xuất chè quy mô nhỏ, thông qua việc giúp họ nâng cao khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu chính.

Chương trình cũng trang bị thêm cho nông dân những kỹ thuật tiên tiến và mở ra các cơ hội thị trường đầu ra, giúp ngành chè phát triển và đem lại nguồn lợi cho hàng nghìn nông hộ trồng chè quy mô nhỏ. Thực tế, cách làm của Unilever là thành lập các lớp học cho nông dân tại hiện trường (FFS-Farmer Field Schools), đào tạo cho nông dân trong Mạng lưới Nông nghiệp Bền vững (Sustainable Agriculture Network – SAN) về các tiêu chuẩn để đạt được chứng nhận của tổ chức Rain Forest Alliance.

Chương trình sẽ tổ chức các khóa đào tạo ở 15 lớp học thí điểm tại hiện trường cho 300 nông dân trồng chè về việc nâng cao sản lượng, chất lượng chè, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và vấn đề phân cấp thu nhập. Việc quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp trong các nông hộ sản xuất chè quy mô nhỏ cũng được cải thiện. Dự kiến, các bên sẽ đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho khoảng 20.000 nông hộ sản xuất chè quy mô nhỏ và 30 nhà máy chè tại 6 tỉnh là Thái Nguyên, Yên Bái, Lâm Đồng, Nghệ An, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc để họ có thể đạt được chứng nhận của Rainforest Alliance cho đến tháng 12 năm 2015.

Thực tế, chỉ sau hơn hai năm kể từ khi Dự án hợp tác công - tư phát triển chè Việt Nam chính thức được khởi động, sản lượng chè đen do Unilever thu mua tại Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, tiến tới mục tiêu giúp khoảng 30.000-35.000 tấn chè đen Việt Nam (được chứng nhận bởi Tổ chức Rainforest Alliance) tiếp cận được với thị trường quốc tế.

Đồng hành, cùng đổi mới

Ngành chè ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Có khoảng 700 nhà máy sản xuất chè ở Việt Nam và gần 6 triệu người dân kiếm sống bằng việc trồng và sản xuất chè. Do vậy, ngành chè đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của đất nước.

Tuy nhiên, ngành chè còn tồn tại nhiều bất cập, trong xu thế hội nhập và cạnh tranh, buộc phải có những đổi mới căn bản, phát triển theo hướng bền vững. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, vấn đề bức xúc tồn tại dai dẳng gần 10 năm qua của ngành chè là tình trạng “một người bán vạn người mua”. Trong khi tổng sản lượng chè của cả nước chỉ đạt 185.000 - 200.000 tấn chè khô/năm, nhưng tổng công suất các nhà máy chế biến từ búp chè tươi lớn gấp 2-3 lần, tới 400.000 - 500.000 tấn chè khô/năm.

Do mất cân bằng cung cầu đó, dẫn đến cảnh tranh mua tranh bán, giành giật nguyên liệu. Hậu quả  là giá chè Việt Nam xuất khẩu giá thuộc dạng thấp của thế giới, chỉ khoảng 1,8 USD/kg trong khi giá bình quân thế giới 3 - 4 USD/kg, do chất lượng thấp, không ổn định và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật luôn bị báo động.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam, cần phải có cuộc cách mạng quy hoạch lại ngành chè theo chuỗi giá trị, chứ không thể thả nổi như hiện tại. Thực tế, khi các doanh nghiệp quản lý được vùng nguyên liệu, không chỉ hạn chế được việc tranh mua tranh bán, còn tăng kiểm soát được đầu vào, đầu ra, nhất là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trước những bất cập trên, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển ngành chè, do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng ban, nhằm “xốc” lại những bất cập, đổi mới, tạo bước đột phá cho ngành chè. Ban chỉ đạo sẽ giúp Bộ trưởng NN&PTNT trong chỉ đạo, phối hợp, điều hành, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, huy động nguồn lực xã hội thúc đẩy chương trình phát triển chè bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, mặc dù giá trị xuất khẩu không lớn so với nhiều nông lâm thủy sản khác, song cây chè là nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân, đặc biệt đồng bào khu vực miền núi. Trong những năm qua, ngành chè có nhiều tiến bộ trong công đoạn giống, nhưng các khâu còn lại như quy hoạch, chế biến, thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm … còn khá nhiều bất cập, nên đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của các bộ, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong Ban chỉ đạo, ngoài các thành viên là các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, còn có sự tham gia của Hiệp hội Chè Việt Nam, các Cty như Unilever Việt Nam, IDH Việt Nam, và đại diện một số địa phương phát triển ngành chè như Nghệ An, Phú Thọ, Lâm Đồng, Yên Bái…

Là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành sản xuất và cung ứng chè trên thế giới, Unilever cam kết mạnh mẽ với kế hoạch phát triển nguồn cung cấp chè nguyên liệu tại Việt Nam. Đồng thời, Unilever tăng cường hỗ trợ các nhà sản xuất chè trong nước, đặc biệt là chú trọng đến tính bền vững, chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, qua đó góp phần phát triển ngành chè Việt Nam. 

Unilever là một trong những công ty sản xuất hàng tiêu dùng đa quốc gia hàng đầu thế giới, chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, chăm sóc vệ sinh cá nhân và gia đình. Nhiều nhãn hàng của Unilever như OMO, P/S, Lifebuoy, Vim, Knorr, Lipton và nhiều nhãn hàng khác luôn giữ vị trí hàng đầu trong các ngành hàng mình hoạt động, trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thành công hàng đầu tại Việt Nam.

Unilever Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu để không chỉ thành công trong kinh doanh mà còn là một doanh nghiệp có trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng và môi trường.  Nỗ lực của công ty đã được ghi nhận bởi rất nhiều giải thưởng và bằng khen của Chính phủ Việt Nam.

Nổi bật trong số đó là Huân chương Lao động hạng Nhất do Nhà nước trao tặng cho những thành tích xuất sắc trong kinh doanh và những đóng góp xã hội vào năm 2010; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2011 cho những thành tích xuất sắc của Unilever trong sự nghiệp bảo vệ môi trường từ năm 2005 đến năm 2010. Unilever cũng được Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen vì nhưng đóng góp cho chương trình quốc gia Nông thôn mới.

MỚI - NÓNG