Đại sứ Karlov bị ám sát và những toan tính Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

Đại sứ Karlov (phải) ngay trước lúc bị ám sát. Ảnh: Twitter
Đại sứ Karlov (phải) ngay trước lúc bị ám sát. Ảnh: Twitter
TPO - Thay vì chỉ ngón tay vào nhau, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khá thống nhất trong việc giải thích vụ Đại sứ Nga bị ám sát hôm 19/12. Mới cách đây vài tháng, mâu thuẫn giữa hai nước tưởng chừng sắp leo thang thành chiến tranh vì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga. 

Quan hệ lúc thăng lúc trầm Nga - Thổ Nhĩ Kỳ góp phần định hình cuộc chiến ở Syria và những khủng hoảng liên quan đã được đánh dấu bằng một sự cố mới: Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát hôm 19/12.

Vụ giết hại ông Andrey G. Karlov khi ông này đang phát biểu tại một cuộc triển lãm ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây chấn động toàn cầu và làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về những hậu quả.

Trên mạng xã hội, nhiều người so sánh sự việc này với vụ ám sát Thái tử Áo Archduke of Austria-Este, châm ngòi cho Thế chiến I. Nhưng sự so sánh này bị nhiều nhà phân tích bác bỏ.

Vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ ám sát Đại sứ Nga. Trước khi bị cảnh sát bắn chết tại hiện trường, nghi phạm sát hại Đại sứ Nga đã hô lên bằng tiếng Ả-rập: “Chúa vĩ đại!”, rồi sau đó nói bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: “Đừng quên Aleppo. Đừng quên Syria”.

Những câu nói này có thể tiết lộ phần nào động cơ của hung thủ: Không quân Nga được cho là đã đóng vai trò chính trong cuộc vây giáp thành công của chính phủ Syria nhằm vào các khu vực ở thành phố Aleppo do phiến quân kiểm soát.

Hai bên cần nhau

Sau những tiếng súng nổ và ông Karlov gục xuống trên vũng máu, vụ việc này có dẫn đến cuộc xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ?

Khả năng này được đánh giá là ít xảy ra. Cho đến nay, cả hai nước đang tích cực quản lý tình hình và gửi tín hiệu hợp tác với nhau. Hai bên có vẻ thống nhất trong cách giải thích vụ việc do kẻ thù gây ra, thay vì chỉ ngón tay vào nhau.

Đối với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong vài tháng qua đã vượt qua bất đồng để nhất trí với nhau về chiến lược.

Báo Mỹ New York Times dẫn lời ông Aaron Stein, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng Đại Tây Dương, giải thích: “Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga để thúc đẩy các lợi ích chiến tranh của họ. Nga cần Thổ Nhĩ Kỳ để chiến thắng ở Syria. Ai cũng có động cơ để xử lý vấn đề này như những người trưởng thành”.

Một cuộc khủng hoảng sau cái chết của một đại sứ có thể gây nguy hiểm cho lợi ích của hai bên ở Syria, hay tồi tệ hơn là khiến quan hệ song phương quay lại thời kỳ căng thẳng như gần đây. Nhưng có vẻ hai bên đang làm việc với nhau để mọi thứ trơn tru.

Đối với cuộc chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, từ khía cạnh nào đó, ở hai phía đối lập nhau. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad và hỗ trợ các nhóm phiến quân. Ngược lại, Nga ủng hộ ông Assad và tham gia vào cuộc xung đột với vai trò đại diện cho ông Assad từ mùa thu năm 2015.

Không lâu sau khi Nga can dự, các máy bay của họ bắt đầu đánh bom những nhóm phiên quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và bay sát biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay quân sự của Nga, gây ra cuộc khủng hoảng lớn và nỗi lo sợ chiến tranh nổ ra giữa hai nước. Trong tình hình đó, vụ ám sát một đại sứ có thể châm ngòi cho cuộc xung đột nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, quan hệ hai nước trong năm qua đã thay đổi đáng kể.

Sau nhiều năm theo đuổi mục tiêu hạ bệ ông Assad, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang chiến lược khiêm tốn hơn: ngăn chặn các nhóm Hồi giáo người Kurd từ Syria tích lũy lãnh thổ dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Thay đổi này không xung đột với quan tâm của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ sợ nếu người Kurd kiểm soát biên giới sẽ khiến cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ ly khai vì chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc thực hiện những chính sách chống lại người Kurd. Một số người thuộc cộng đồng này đã thực hiện các vụ tấn công khủng bố trong thời gian qua.

Việc Nga can dự vào Syria cũng làm thay đổi tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến chiến dịch của Ankara nhằm chống lại Tổng thống Assad trở nên tốn kém hơn và ít cơ hội thành công hơn.

Về phần Nga, lúc đầu họ nỗ lực giành địa bàn từ các nhóm phiến quân Syria mà một số nhóm trong đó được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Nga dường như đã rút ra kết luận rằng, tốt hơn nên là trở thành đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ thay vì là kẻ thù.

Hai nước dường như đã đi đến một thỏa thuận không chính thức: Thổ Nhĩ Kỳ thôi hỗ trợ một số nhóm nổi dậy đe dọa các lợi ích của Nga ở Syria, còn Nga thôi hỗ trợ các nhóm người Kurd ở Syria. Nga cũng để quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm dân quân thân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng vùng đất biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mà trước đây các nhóm người Kurd và Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát.

Ông Stein gọi thỏa thuận này là “Aleppo đổi lấy Al Bab”. Nghĩa là Nga và ông Assad sẽ chiếm lại Aleppo, còn các nhóm dân quân thân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiểm soát thị trấn Al Bab có vai trò quan trọng chiến lược.

Vì hai thành phố này gần nhau nên các chiến dịch của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ cho nhau. Ngoài ra, vì lực lượng hai bên hoạt động không xa nhau mấy, nên một xung đột lớn nổ ra sau vụ ám sát ông Karlov là điều hai bên khó theo đuổi.

Đến nay chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ thay đổi chính sách của họ ở Syria. Ông Stein dự đoán rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ khiến dư luận bớt chút ý đến chính sách về Syria không được mấy người ủng hộ của ông bằng cách cáo buộc giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen đang ở Mỹ là thủ phạm đứng sau vụ tấn công. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cáo buộc ông Gulen đứng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa hè năm nay.

Giáo sĩ Gulen bác bỏ cáo buộc đó, và Washington cũng từ chối dẫn độ ông với lý do thiếu bằng chứng. Vụ việc khiến quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng, nhưng giúp ông Erdogan giành được ủng hộ nhiều hơn từ trong nước, trong bối cảnh người dân Thổ Nhĩ Kỳ không ưa Mỹ.

“Người thua lớn nhất từ vụ việc này sẽ là Washington”, ông Stein nhận định.

Theo Theo NYT
MỚI - NÓNG