Chiều 13/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi làm việc với trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Tại buổi làm việc, PGS-TS Đỗ Văn Dũng Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với những bước tiến nhảy vọt trong thế kỷ XXI, đưa thế giới chuyển từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên thông tin, chuyển nền kinh tế tài nguyên sang nền kinh tế tri thức.
“Do đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đề xuất các định hướng trong thời gian tới như đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng đào tạo, chủ động hội nhập quốc tế; Khẳng định vị trí đáng tin cậy trong nước và khu vực trong đào tạo nhân lực công nghệ và giáo viên kỹ thuật trình độ đại học và sau đại học; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Hoàn thiện bộ máy tổ chức và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao...”, ông Dũng nói.
Cũng tại buổi làm việc, một giảng viên của trường đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nha về cuộc cách mạng 4.0. “Tôi nghe nói rất nhiều về Cuộc cách mạng 4.0. Bộ trưởng nói về cuộc cách mạng 4.0, hiệu trưởng nói về trường đại học 4.0. Tuy nhiên, giáo viên chúng tôi hiện nay rất phân vân không biết cuộc cách mạng 4.0 là gì?. Bộ trưởng có thể giải thích hoặc gạch vài dòng về cuộc cách mạng này để giáo viên chúng tôi hiểu được không?”
Trước câu hỏi này, ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng trên nền tảng công nghệ thông tin, là xu hướng phát triển của thế giới...
Ông Nhạ cũng yêu cầu các trường phải nghiên cứu rõ xu hướng phát triển nhiều ngành nghề mới, quy hoạch lại các ngành nghề trên nền tảng công nghệ thông tin. Có một số ngành mới sẽ ra đời và một số ngành sẽ chết đi.
“Các trường đừng quá nhấn mạnh, bội chứng 4.0. Làm gì có trường đại học nào 4.0. Chúng ta bám sát xu hướng phát triển của thế giới, các thầy cô phải xem cuộc cách mạng này như một cơ hội, nắm bắt không quá gấp gáp mà phải chắc chắn và trên thế giới cũng đã tiếp cận với xu hướng này...’, ông Nhạ nói.
Trước đó, trong buổi làm việc với trường Đại học Văn Hiến sáng cùng ngày, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhận được câu hỏi khó của một giảng viên khi hỏi về “giáo dục Việt Nam đang đứng thứ mấy trong khu vực Đông Nam Á”.
Theo ông Nhạ, Việt Nam đã có một số trường đại học rất xuất sắc, đào tạo ra những cá nhân không thua kém bất kỳ trường nào trong khu vực, nhưng có những trường ở mức rất thấp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý với các trường ngoài công lập phải đảm bảo chất lượng, vì giá trị cốt lõi hiện nay là chất lượng. “Các trường đại học ngoài xây giảng đường khang trang phải đầu tư hài hoà, đại học không phải là nơi chỉ có phòng và máy chiếu mà là một môi trường sống thực sự, thầy cô đến học sinh, sinh viên có chỗ học, chỗ chơi”.