Đại học... học đại

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD
Tình trạng cử nhân thất nghiệp hàng loạt đã trở thành vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thành lập ồ ạt trường ĐH và chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội.

Vượt quá xa quy hoạch

Theo quyết định điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6.2013 thì đến năm 2020, cả nước sẽ có 460 trường.

So với quy hoạch mạng lưới các trường được ban hành năm 2007, con số này đã giảm đi hơn 100 trường (quy hoạch cũ đặt ra mục tiêu có tới 573 trường vào năm 2020).

Thế nhưng trên thực tế việc mở trường đã không tuân theo sự điều chỉnh này. Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, đến tháng 3 năm nay đã có 471 trường ĐH, CĐ trên cả nước.

Điều đáng nói, việc mở trường đã đi ngược lại chủ trương của Chính phủ. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ tại bản điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên thành lập các cơ sở mới có đủ tiềm lực và điều kiện; hạn chế việc nâng cấp các cơ sở hiện có.

Thế nhưng, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 2007 - 2013, cả nước có 133 trường được thành lập thì có tới 108 trường do nâng cấp. Tính đến tháng 3 năm nay lại có thêm 14 trường được thành lập.

Cũng trong tháng 3, Bộ mới có công văn thông báo dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị nâng cấp và thành lập trường mới. Trong khi đó, Bộ vẫn xem xét, báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý đối với những hồ sơ nâng cấp và thành lập mới các trường ĐH, CĐ đã gửi về Bộ trước thời điểm ban hành công văn này.

Mới đây, Bộ GD-ĐT lại tiếp tục đề nghị với Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập Trường ĐH Khánh Hòa trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm Nha Trang và Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch Nha Trang.

Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo hạn chế tối đa việc thành lập thêm các trường ĐH (trừ trường đào tạo các ngành công nghệ phục vụ sản xuất, những ngành cần được ưu tiên). Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần xem xét kỹ nhu cầu nhân lực của tỉnh Khánh Hòa và khu vực đối với những chuyên ngành mà trường dự kiến mở đào tạo.

Việc mở trường ĐH, CĐ ồ ạt đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lên tiếng cảnh báo từ năm 2010. Đến tháng 7.2012, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tiếp tục có cuộc khảo sát về thực trạng trên và lại cảnh báo về sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý trong việc cho mở trường ĐH. Báo cáo về cuộc khảo sát nêu rõ:

“Mặc dù các cơ sở giáo dục ĐH được thành lập trong giai đoạn này (từ năm 2009 - 2012) hầu hết đã được phê duyệt chủ trương từ giai đoạn trước song nếu thực sự kiên quyết thì dù đã có chủ trương đồng ý từ trước nhưng vẫn có thể không cho phép thành lập mới cơ sở giáo dục ĐH nếu không phù hợp với quy hoạch, mạng lưới cũng như định hướng phát triển”.

Không đảm bảo điều kiện chất lượng

Nhiều trường ĐH thành lập ở các địa phương không đủ nguồn lực đầu tư nên chất lượng giáo dục ĐH ngày càng giảm sút.

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhu cầu phát triển cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục ĐH là rất lớn, đặc biệt là đối với những ngành nghề kỹ thuật - công nghệ ở các trường trực thuộc địa phương và mới được thành lập, nâng cấp, trong khi nguồn ngân sách địa phương còn rất hạn hẹp nên không có khả năng hỗ trợ hoặc hỗ trợ không đáng kể. Vì vậy, cơ sở vật chất phục vụ cho học tập, giảng dạy ở bậc ĐH vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của đào tạo.

Báo cáo giám sát của Ủy ban này nhận định đội ngũ giảng viên vẫn còn khiêm tốn so với tốc độ tăng quy mô đào tạo, tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học còn thấp. Hiện toàn ngành chỉ có 286 giảng viên có chức danh giáo sư (0,5%), 2.009 phó giáo sư (3,37%), 8.519 tiến sĩ (14,27%) và 28.037 thạc sĩ (47%).

Đặc biệt, nhiều trường chưa thực hiện đúng cam kết thành lập trường về tuyển dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ bảo đảm giảng dạy 70% chương trình theo quy định.

Một số trường có số lượng giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn thấp, dưới 50 người (Trường ĐH Thành Đông, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường CĐ Công nghiệp cao su, Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Quảng Ngãi...).

Tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn ở nhiều trường vẫn còn cao (như Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Phú Xuân...). Nhiều ngành đào tạo chưa đủ giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ theo đúng quy định...

Quy mô ĐH, CĐ tăng nhanh, cạn kiệt nguồn tuyển

Theo số liệu thống kê của Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD-ĐT, từ năm 2002 đến 2012, số học sinh (HS) THPT tăng không đáng kể, thậm chí có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, quy mô tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ không ngừng tăng lên.

So sánh số liệu 10 năm qua cho thấy chỉ tiêu tuyển mới vào các trường ĐH, CĐ tăng lên nhanh chóng dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển.

Năm học 2001 - 2002, HS tốt nghiệp THPT là 778.085 thì chỉ tiêu vào ĐH, CĐ là 168.000. Đến năm 2011 - 2012, HS tốt nghiệp THPT là 918.403, chỉ tiêu tuyển mới vào ĐH, CĐ đã tăng lên 576.000.

Đến năm 2013, số HS tốt nghiệp THPT khoảng 900.000 nhưng số chỉ tiêu tuyển mới vào ĐH, CĐ đã lên tới 614.390, chưa kể chỉ tiêu tuyển vào các hệ không chính quy.

Trong khi đó, theo thống kê phổ điểm của thí sinh dự thi ĐH, CĐ từ Bộ GD-ĐT, khoảng 50 - 60% thí sinh đủ điều kiện xét tuyển (10 điểm trở lên - theo điểm sàn bậc CĐ). Như vậy, dù có hạ mức điểm tuyển vào ĐH, CĐ đến mức thấp cũng không thể tuyển đủ thí sinh.

Theo Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG