Đại gia ngành sợi báo lỗ hơn 2.100 tỷ đồng

Đại gia ngành sợi báo lỗ hơn 2.100 tỷ đồng
TP - Bên lề Hội thảo quốc tế Quản lý hoạt động chuyển giá: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam ngày 11-12 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng kiêm Phó ban cải cách Tổng cục Thuế cho biết: Cơ quan thuế đã trình Bộ Tài chính chương trình kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định 1250 của Bộ Tài chính.

> T.Ư Đoàn ký kết phối hợp với Tập đoàn Dệt may
> Khó khăn, nhiều DN đang cầm cự muốn ...buông xuôi

Tổng cục Thuế đã thành lập một tổ chuyên trách chỉ đạo thanh tra kiểm soát giá chuyển nhượng trên phạm vi toàn quốc.

Trong đó, giao cho 5 cục thuế triển khai thanh tra doanh nghiệp FDI ở một số lĩnh vực như: Cục thuế Hà Nội thanh tra doanh nghiệp bất động sản, xây dựng; Cục thuế TPHCM (doanh nghiệp dệt may); Cục thuế Đồng Nai (doanh nghiệp sản xuất sợi vải); Vĩnh Phúc (sản xuất lắp ráp ô tô), Bình Dương (sản xuất cơ khí).

Trọng tâm là doanh nghiệp kê khai lỗ triền miên nhưng vẫn đầu tư mở rộng, cơ quan thẩm định giá nâng vốn đầu tư bằng cách chuyển giá thông qua tài sản hữu hình, nâng vốn đầu tư lên để chia chác khấu hao, nguyên vật liệu.

Thưa ông, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã thanh tra hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp FDI tại nhiều địa phương. Vậy kết quả ra sao, thưa ông?

Tôi đã trực tiếp thanh tra một doanh nghiệp FDI thuộc ngành vải sợi tại Đồng Nai. Kết quả là, đã tăng thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp hơn 70 triệu USD (tương đương 1.400 tỷ đồng).

Hiện tại, đã giảm hết số lỗ khai báo của doanh nghiệp (khoảng 2.100 tỷ đồng) và xác định thu nhập chịu thuế hơn 1.100 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã đồng ý với kết quả của đoàn thanh tra. Đây là một kết quả quan trọng, là bước khởi đầu cho công tác kiểm soát hoạt động chuyển giá tại Việt Nam.

Doanh nghiệp chỉ có vốn đầu tư 7 triệu USD, nhưng lỗ hơn 60 triệu USD. Nếu doanh nghiệp không được giảm lỗ trong các năm sau thì số thuế phải nộp gần 80 tỷ đồng.

Qua thanh tra, nếu doanh nghiệp không còn lỗ và các năm sau không được hưởng ưu đãi, thì thu nhập chịu thuế đúng ra là hơn 250 triệu USD. Như vậy, đoàn thanh tra đã giúp ngân sách không bị thất thu hơn 340 tỷ đồng. Thời điểm này, chúng tôi chưa thể tiết lộ danh tính doanh nghiệp.

Cơ quan thuế đã có biện pháp gì để kiểm soát, ngăn chặn các thủ đoạn chuyển giá của Coca Cola?

Đối với trường hợp Coca Cola, Cục thuế TPHCM mới thanh tra công ty này năm 2006 và đã giảm lỗ hơn 950 tỷ đồng. Còn số lỗ mà doanh nghiệp báo cáo có nhiều nguyên nhân.

Nhưng, Cục thuế TPHCM mới chỉ kiểm tra về doanh thu, hóa đơn, chứng từ thông thường, chứ chưa kiểm tra về giá chuyển nhượng hay thanh tra giao dịch liên kết.

Tôi nhấn mạnh rằng, một số công ty khác cùng lĩnh vực sản xuất nước giải khát như Coca Cola cũng đang trong tầm ngắm của cơ quan thuế, chứ không phải chúng tôi bất lực.

Thu Hằng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG