Đại biểu Trần Du Lịch: Không nên nghĩ ODA là tiền 'cho không'

Hội thảo ODA Quốc tế tại Đà Nẵng. Ảnh: Hải Lý.
Hội thảo ODA Quốc tế tại Đà Nẵng. Ảnh: Hải Lý.
“Không nên nghĩ ODA là tiền cho không. Đó là tiền vay, cho dù vay ưu đãi cũng phải trả nợ. ODA cũng không phải không có rủi ro, nhất là rủi ro tỷ giá”

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nói như vậy bên lề hội thảo quốc tế “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng hôm 7/8.

Hội thảo này có sự tham dự của nhiều định chế tài chính quốc tế do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển BIDV tổ chức.

Theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, tính đến cuối năm 2014 tổng vốn ODA cam kết cho Việt Nam lên đến 89,5 tỉ đô la Mỹ, tổng vốn đã ký kết đạt 73,7 tỉ đô la Mỹ, bình quân 3,5 tỉ đô la Mỹ/năm. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã giải ngân là gần 54 tỉ đô la Mỹ. Hiệu quả sử dụng vốn được các nhà tài trợ đánh giá tích cực.

Hiệu quả của nguồn vốn ODA đối với nền kinh tế là không thể phủ định, nhưng sử dụng vốn ODA đang là một thách thức. Đại diện Ngân hàng Thế giới WB cảnh báo vốn ODA sẽ tiếp tục giảm. Ngoài ra dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, các khoản vay kém ưu đãi của WB sẽ chiếm đa số (tuy là kém ưu đãi nhưng vẫn còn cạnh tranh hơn các nguồn vốn của Chính phủ huy động trong nước vì chi phí vay rẻ hơn so với huy động trong nước, thời gian vay dài, có khoản tới 35 năm).

“Chúng tôi kiến nghị, để sử dụng vốn ODA hiệu quả Việt Nam phải thiết kế các chương trình ODA phù hợp với mục tiêu chương trình phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ. Các cơ quan có định hướng sử dụng ODA cụ thể. Cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm thành lập các ban quản lý dự án mới” – đại diện WB nhấn mạnh – “Bên cạnh đó ODA cần được phân bổ vốn cho các ngành dịch vụ không có thu như y tế, giảm nghèo, các hoạt động tăng cường năng lực và thể chế cho các dự án đầu tư có đầu ra, mục tiêu rõ ràng”. 

WB cho biết sẽ đảm bảo các chương trình của mình phù hợp với ưu tiên của Chính phủ, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các nhà tài trợ song phương để tổng nguồn vốn đầu tư mang tính cạnh tranh hơn nữa. 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết năng lực hấp thụ ODA của quốc gia nói chung và của ngành, dự án nói riêng còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân ODA còn thấp; qui trình thủ tục còn phức tạp; năng lực quản lý chương trình dự án chưa theo kịp trình độ quản lý  ngày càng cao của quốc tế. 

“Chúng tôi sẽ thiết kế chương trình sát thực tế, tăng cường thanh tra, kiểm tra để sử dụng ODA hiệu quả, chống thất thoát lãng phí. Đã đến lúc VN “tốt nghiệp ODA”. Các vị có thể gợi mở cho chúng tôi những giải pháp huy động nguồn lực của xã hội và quốc tế” – Phó Thủ tướng nói.

Theo Theo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn
MỚI - NÓNG