Giải bài toán hậu “tốt nghiệp ODA”

Cầu Nhật Tân sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Ảnh: Như Ý.
Cầu Nhật Tân sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Ảnh: Như Ý.
TP - Sau 20 năm huy động và sử dụng vốn vay ODA được coi là thành công, Việt Nam vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình. Đồng nghĩa với việc đến lúc chúng ta buộc phải “tốt nghiệp ODA”, đối diện với vay thương mại, vốn vay kém ưu đãi, viện trợ không hoàn lại giảm hẳn...  

Xử lý bài toán “hậu” ODA nêu trên là nhiệm vụ đặt ra tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam” diễn ra sáng 7/8 tại Đà Nẵng, do Ban Kinh tế T.Ư, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Gần 200 đại biểu ban ngành trung ương, địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, định chế tài chính quốc tế, chuyên gia kinh tế… tham dự.

ODA sẽ trở thành “vốn mồi”

Cả Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Trưởng Ban kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ ngồi chủ tọa hội thảo, đều nhắc đến cụm từ “tốt nghiệp ODA” đang trở nên quen thuộc. Theo Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà, từ năm 1993 đến 2014, đã có 89,5 tỷ USD vốn ODA vào Việt Nam (80% vay ưu đãi, trên 10% viện trợ không hoàn lại). Nguồn vốn này là động lực lớn lao đối với phát triển KTXH, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, mặt trái là không tránh khỏi. Trưởng Ban kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ chỉ ra, trên thực tế các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn. Do thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng rất nhiều so với dự toán ban đầu. Thêm nữa, do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao, nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém…

Hiện các chính sách tài trợ cho Việt Nam đã được điều chỉnh, vốn vay trở nên “kém ưu đãi”, vay thương mại tăng lên, giảm hoặc dừng viện trợ không hoàn lại…Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) cũng đã thay thế cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) tồn tại suốt 20 năm qua. Khái niệm “nhà tài trợ” được nâng lên thành đối tác. 

Cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ nâng cao năng lực giám sát, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm những tiêu cực liên quan đến sử dụng vốn ODA, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, dù “tốt nghiệp ODA”, nhưng xuất phát điểm của Việt Nam vẫn còn rất thấp, nhu cầu vốn của Việt Nam rất lớn, nhất là trong những lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

Ông Vương Đình Huệ đề cập đến việc cần thiết xây dựng những chính sách và thể chế thích hợp để tạo môi trường cho các mô hình viện trợ mới. Đồng thời phải tái cấu trúc dòng vốn ODA, sử dụng vốn này để hỗ trợ các ưu tiên phát triển, các đột phá chiến lược. Kết hợp linh hoạt giữa viện trợ không hoàn lại, vay ODA và vay ưu đãi để “làm mềm” khoản vay. “Đồng thời đến lúc cần sử dụng vốn ODA làm “vốn mồi” kích thích đầu tư tư nhân góp phần tăng số lượng vốn giải ngân”, ông Huệ nhấn mạnh. TS. Trần Du Lịch cũng đồng tình cho rằng trong bối cảnh mới, vốn ODA phải trở thành “vốn mồi”, để thu hút nguồn lực trong nước.

Trước nguồn vốn vay “kém ưu đãi” sẽ phổ biến sắp tới, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đưa ra khái niệm “người thụ hưởng thông minh”. Đơn cử, người vay phải chọn đồng tiền vay trong một rổ tiền (gồm nhiều loại ngoại tệ) sao cho rủi ro về tỷ giá khi vay trả là thấp nhất. Rủi ro về  tỷ giá ngoại tệ, theo TS. Trần Du Lịch, đó mới là mối lo chính về ODA, còn hơn cả mối lo ODA làm tăng nợ công.

Về lâu dài, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ cần có đề án phát triển thị trường vốn dài hạn, để không phụ thuộc ODA nước ngoài. Để giám sát các nguồn vốn vay tới đây, theo TS. Doanh, cần nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội và cộng đồng, gồm các tổ chức quần chúng, cũng như sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng mạng internet. 

Chiều cùng ngày, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác toàn diện (MOU) với Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ (Việt Nam), thuộc Tập đoàn ANZ. Tiếp đó, BIDV ký thỏa thuận hợp tác toàn diện; Hợp đồng vay hợp vốn quốc tế trị giá 105 triệu USD với thời hạn 5 năm và Thỏa thuận trong lĩnh vực chuyển tiền với Ngân hàng Cathay United (Đài Loan). Nhân dịp này, BIDV tổ chức Hội nghị tri ân khách hàng quốc tế nhân dịp kỷ niệm 20 năm BIDV chuyển đổi sang mô hình ngân hàng thương mại. 

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.