Đại biểu Đại hội Đoàn chiêm ngưỡng hiện vật lịch sử nghìn năm từ lòng đất
TPO - Tối 14/12, hàng trăm đại biểu dự Đại hội toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII có trải nghiệm đáng nhớ tại Hoàng thành Thăng Long, thăm quan, chiêm ngưỡng các hiện vật lịch sử, dâng hương tại điện Kính Thiên...
Các đại biểu xem mô hình khu vực Hoàng thành Thăng Long trước giờ trải nghiệm Đêm giải mã Hoàng thành Thăng Long.
Do số lượng đại biểu tham dự khá đông (khoảng 300 người), các nhân viên hướng dẫn của Hoàng thành Thăng Long phải chia thành nhiều tốp để hướng dẫn các đại biểu.
Sau khi nghe giới thiệu về Hoàng thành Thăng Long, cổng Đoan Môn, đặc điểm thiết kế của khu vực Hoàng thành Thăng Long, các đại biểu được chiêm ngưỡng các hiện vật lịch sử tại khu trưng bày "Lịch sử nghìn năm từ lòng đất" - gồm các hiện vật được khai quật khảo cổ trải qua các thời kỳ phát triển của lịch sử Việt Nam. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, nhiều đại biểu cho rằng, việc trải nghiệm, chiêm ngưỡng các hiện vật lịch sử tại Hoàng thành Thăng Long giúp họ thêm tự hào về lịch sử của dân tộc, thêm yêu quê hương, đất nước. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Đại biểu hào hứng trải nghiệm, tham quan, chụp ảnh tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Với nhiều đại biểu, đây là lần đầu tiên họ đến với Hoàng thành Thăng Long, và trải nghiệm "Đêm giải mã Hoàng thành Thăng Long" thực sự gây ấn tượng sâu sắc.
Qua các hiện vật được trưng bày, với thông tin chi tiết từ các hướng dẫn viên, các đại biểu như được "chứng kiến" những thước phim lịch sử ở Hoàng thành Thăng Long qua nhiều thế kỷ.
Các đại biểu cũng được giới thiệu, tham quan khu vực Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông. Điện Kính Thiên là nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi (1428) và về sau này trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài, nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự và thờ cúng. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Năm 1816, tòa điện này được vua Gia Long cho xây dựng lại. Điện Kính Thiên trở thành hành cung cho các vị vua triều Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Vua Thiệu Trị đã cho đổi tên Điện Kính Thiên thành Long Thiên vào năm 1841. Năm 1886, Điện bị thực dân Pháp phá huỷ để xây nhà ban chỉ huy pháo binh, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền Điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay). Đôi rồng chầu và bậc thềm đá phía trước Điện được giữ nguyên từ thời Lê Sơ (thế kỷ 15) cho đến nay. Trong ảnh, các đại biểu dâng hương trước Điện Kính Thiên.
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các vị tiền nhân ở Điện Kính Thiên. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hoàng thành Thăng Long. Nhiều đại biểu chia sẻ, chuyến trải nghiệm giúp họ có thêm thông tin về lịch sử, bồi đắp thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Những kiến thức thu nhận được từ chuyến trải nghiệm, qua công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương, sẽ tiếp tục lan tỏa đến các đoàn viên, thanh niên... Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng