Năm 2022, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiếp tục tiến hành khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền Điện Kính Thiên thuộc Hoàng thành Thăng Long. Khu vực khai quật có tổng diện tích 990 m2, trong đó một phần diện tích khai quật nằm trong lòng nhà Cục tác chiến.
Một số hiện vật như gạch, ngói, đồ gốm thời Lý được phát lộ trong đợt khai quật năm 2022. Ảnh: Gia Linh. |
Theo kết quả đợt khai quật khảo cổ được công bố ngày 22/11, các nhà khoa học đã có một số phát hiện mới, quan trọng về Hoàng thành Thăng Long. Địa tầng Thời Lê sơ và Lê trung hưng tiếp tục phát lộ dấu tích sân Đan Trì, đường Ngự Đạo. Đặc biệt, lần đầu xuất lộ Ngự Đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh Ngự Đạo lại có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của Đoan Môn.
Tòa nhà Cục tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu của Quân đội Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ) nằm trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đang chia đôi quảng trường trước cửa nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn làm hai.
Vì thế nhiều nhà khoa học, nhà khảo cổ học đề xuất di dời nhà Cục Tác chiến nhằm tái tạo lại trục chính tâm từ điện Kính Thiên đến Đoan Môn, tạo một khoảng trống lớn trước nền điện Kính Thiên để phục vụ tổ chức các sự kiện lớn.
Hố thám sát dưới nền nhà Cục tác chiến. |
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nêu ý kiến tòa nhà được đề xuất hạ giải không bao gồm Hầm Chỉ huy tác chiến T1 - khu vực hiện vẫn đang được khai thác, phục vụ khách tham quan. PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định việc hạ giải nhà Cục tác chiến là cần thiết để hoàn trả không gian Điện Kính Thiên.
“Theo nghiên cứu, đây là khu nhà cấp bốn nằm trong danh mục tháo dỡ của dự án tháo dỡ 58 nhà không có giá trị lịch sử trong thành phố Hà Nội. Kết quả khảo sát năm 2007 cho thấy đây không phải là di tích lịch sử và không có giá trị sử dụng theo đánh giá phân loại của Hội đồng khoa học thành phố. Tòa nhà này sau khi được Bộ Quốc phòng bàn giao cho thành phố Hà Nội để trống không sử dụng, tới năm 2010 mới được sửa sang để đón du khách”, ông Trần Đức Cường nêu.
PGS.TS Tống Trung Tín chủ trì cuộc hội thảo đầu bờ được tổ chức tại hố khai quật sáng 22/11. Ảnh: Phạm Sỹ. |
PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đồng tình với quan điểm hạ giải tòa nhà Cục tác chiến. “Chúng ta cần xác định ưu tiên bảo tồn, phục dựng cái gì vì thực tế không thể nào giữ nguyên hiện trạng tất cả công trình trên khu vực di tích. Nhiều chuyên gia phân tích tòa nhà này là trại lính của người Pháp, vậy nên có thể hạ giải, di dời để đảm bảo không gian toàn vẹn cho điện Kính Thiên,” ông Đặng Văn Bài phân tích.
Tuy thế vẫn có một số ý kiến khá thận trọng quanh chuyện hạ giải nhà Cục tác chiến. TS. Phạm Lê Huy (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng việc hạ giải tòa nhà cần phải cân nhắc rất kỹ vì đây cũng là di tích của một thời kỳ lịch sử đất nước và cũng nằm trong khu vực cần được bảo tồn.
Ông Phạm Vinh Quang - Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) - nhất trí rằng khôi phục không gian điện Kính Thiên là mục tiêu quan trọng cần ưu tiên. Tuy nhiên, việc hạ giải công trình trong khu di sản cần các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước suy tính thận trọng, và xây dựng đề án để thuyết phục UNESCO chấp thuận.
Bên cạnh hai phát hiện đặc biệt quan trọng là dấu tích Đan Trì và Ngự đạo, cuộc khai quật năm 2022 cũng cho thấy một mô hình kiến trúc mới thời Trần là dấu vết “bồn hoa” dạng chữ nhật/gần vuông, được xây bằng gạch bìa đỏ, xếp thành các hàng.