Cuộc khai quật lớn nhất lịch sử Việt Nam
Công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhận định, về cơ bản, các cơ quan quản lý di sản của thành phố đã và đang thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của UNESCO, từ việc củng cố bộ máy tổ chức tới công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di sản, nghiên cứu khoa học...
“Cuộc khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Những kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau, khẳng định đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử-văn hóa lâu đời, là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu, đồng thời là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật cũng như phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Thanh đánh giá.
Những báu vật Hoàng cung khai quật được tại Hoàng thành Thăng Long trong suốt 20 năm qua. Ảnh: Trọng Quân |
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng công tác khai quật nghiên cứu đã góp phần nâng cao giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục Chính điện Kính Thiên.
“Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ chưa được khám phá dưới lòng đất. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược”.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart
“Các cuộc thám sát và khai quật khu vực Chính điện Kính Thiên đã xác định được tầng văn hóa khá đầy đủ có niên đại kéo dài từ thế kỷ VII-IX đến thế kỷ XIX-XX cùng các dấu tích kiến trúc qua các thời kỳ Tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê sơ… Việc này đem lại nguồn tư liệu xác thực góp phần tích cực vào việc xây dựng khu bảo tồn các di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, nghiên cứu khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên, bảo tàng Hoàng cung Thăng Long… cũng như các phương án phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của kinh đô Thăng Long”, ông Tín khẳng định.
Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Sơn, nhận định, công tác bảo tồn hàng chục vạn di vật được phát hiện, khai quật trong 20 năm qua đã chứng minh được giá trị nổi bật của khu di sản Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội, góp phần đưa khu di tích trở thành Di sản văn hóa thế giới. “Chúng ta đã chứng minh được Hoàng thành Thăng Long có những giá trị nổi bật toàn cầu. Chính từ những giá trị này, Hoàng thành Thăng Long đã được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa thế giới. Chúng ta đã bảo tồn, bảo quản được hàng chục vạn di vật đã được phát hiện ở Hoàng thành trong 20 năm nghiên cứu, khai quật, khảo cổ học; xây dựng được lộ trình để bảo tồn, bảo quản, trưng bày và phục hồi các di sản cha ông chúng ta với hàng nghìn năm tuổi”, ông Sơn nêu.
Những báu vật Hoàng cung. Ảnh: Trọng Quân |
Gần hơn với giấc mơ điện Kính Thiên
PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành và cộng sự và KTS. Nguyễn Quang Ngọc cùng đề cập những khó khăn khi phục dựng điện Kính Thiên. Tham luận nêu: “Công cuộc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần, Lê sơ là vấn đề vô cùng khó khăn và có rất nhiều thách thức bởi thiếu cơ sở tư liệu khoa học tin cậy. Do đó, cần phải có sự đầu tư nghiên cứu rất công phu, bài bản, phải dựa vào rất nhiều nguồn tư liệu tin cậy để giải đoán, giải tích, đặc biệt là phải có những đầu tư nghiên cứu so sánh và phải thực hành theo tính chuyên nghiệp, có tính học thuật và khoa học cao”.
Kinh nghiệm phục dựng từ Nhật Bản
Chia sẻ kinh nghiệm về phục dựng lại các công trình kiến trúc đã bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích, GS Ueno Kunikazu (Đại học nữ Nara-Nhật Bản) giới thiệu một số công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ thứ VIII, IX được phục dựng thành công tại Nhật Bản. “Trước tiên, cần dựa vào kết quả của các cuộc khảo cổ học, để dựng lên phác thảo chính xác tới 70-80% công trình kiến trúc cổ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi dựng mô hình ở tỷ lệ 1/50 đến 1/100. Chúng tôi cũng kiểm tra các vấn đề khác nhau trong quá trình phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ phá hủy các hiện vật có giá trị gốc”, ông Sơn nói.
Từng giữ vai trò Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Sơn có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn tư liệu, đặc biệt là đề án phục dựng điện Kính Thiên. “Nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên có ý nghĩa sâu sắc và đa chiều, khẳng định rõ hơn nữa giá trị di sản và nâng cao năng lực nghiên cứu, bảo tồn phục dựng. Đây là nền tảng, là công trình quan trọng nhất, có sức hội tụ và lan tỏa nhất của Hoàng thành Thăng Long. Có thể nói, khi nào chưa phục dựng được chính điện Kính Thiên thì chưa nối lại được mạch nguồn chủ chốt của văn hóa Đại Việt”, ông Sơn nhận định.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra rằng, tư liệu để phục dựng không gian và chính điện Kính Thiên còn chưa đầy đủ, là thách thức trong công tác phục dựng Chính điện Kính Thiên. Để có cứ liệu phục dựng, ông Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực như khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật... Trước hết, các nhà nghiên cứu cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm: hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong, bên ngoài di sản.
“Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều kích nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của Chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3-5 năm thì trong vòng 10 năm tới chúng ta có hy vọng để phục dựng điện Kính Thiên”, ông Sơn kỳ vọng.