Đề xuất 2.000 tỷ đồng Phục dựng điện Kính Thiên: Chờ đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
Hoàng thành Thăng Long cần được phục dựng kiến trúc và các giá trị phi vật thể để xứng tầm di sản hơn nữa Ảnh: KỲ SƠN
Hoàng thành Thăng Long cần được phục dựng kiến trúc và các giá trị phi vật thể để xứng tầm di sản hơn nữa Ảnh: KỲ SƠN
TP - Nào là dự án đầu tư phục dựng điện Kính Thiên, nào xây Bảo tàng Hoàng cung, và hàng loạt ấp ủ khác để có được diện mạo Hoàng thành Thăng Long sinh động, xứng tầm di sản thế giới. Thế nhưng, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội trong cuộc làm việc gần đây, nhắc về sự trì trệ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội, đề án phục dựng điện Kính Thiên là một trong những dự án quan trọng thời gian tới. Theo đó, giai đoạn 1 (2020-2025) hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở; giai đoạn 2 (2025 -2030) triển khai thực hiện dự án. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến đề xuất khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Các nhà khoa học khá đồng thuận về các giai đoạn để phục dựng điện, nhưng cho rằng nhất thiết phải rút ngắn thời gian hơn nữa.

Quá chậm

Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội về tiến độ các dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản này. Hàng chục nhà khoa học, chuyên gia về khảo cổ, lịch sử và di sản thẳng thắn góp ý với hy vọng sớm thấy diện mạo Hoàng thành rõ nét hơn trong tương lai.

“Phần lớn hạ tầng cơ sở vật chất cảnh quan chưa đáp ứng nhu cầu tham quan, phát triển văn hóa cũng như phát triển du lịch, tôn tạo bảo tồn di tích. Giá trị khu di sản phần lớn nằm ở di chỉ và hiện vật khảo cổ, công trình kiến trúc chưa có nhiều, nên thiếu tính hấp dẫn trong và người nước. Cơ sở hạ tầng thì không gian điện Kính Thiên đặc biệt quan trọng, bậc đá thềm rồng của Chính điện vẫn còn đó. Chúng ta phải làm gì để triển khai được dự án này, cùng với việc phát huy giá trị của hàng loạt công trình liên quan như hầm chỉ huy, hệ thống tường thành và các công trình khác”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu.

Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội cho biết, sau 10 năm ghi danh di sản, Trung tâm thực hiện được 7/8 cam kết với UNESCO, duy nhất nội dung nhất thể hóa quản lý chưa thể thực hiện. Trung tâm mới nhận được bàn giao 91% khu di sản, di vật phải chờ tới tận 2025 mới hoàn thành lộ trình bàn giao. Năm năm qua, Trung tâm chủ yếu tập trung cải tạo các công trình xuống cấp, khởi động đề án nghiên cứu và phục dựng không gian điện Kính Thiên.

Đề án phục dựng không gian điện Kính Thiên là giấc mơ của Hà Nội cũng như các nhà khoa học, để Hoàng thành hiển hiện rõ nét hơn trong mắt người dân và du khách. Hoàng thành hiện nay bị chia cắt, phần lớn kiến trúc đều là công trình được xây dựng vài chục năm trở lại đây. Đề án nghiên cứu, phục dựng không gian điện Kính thiên tới nay thu được một số kết quả về sưu tầm tư liệu, hiện vật khảo cổ, khảo cổ học, xây dựng khung nội dung cơ bản. Các nhà khảo cổ tập trung khai quật tại thềm điện Kính Thiên để làm rõ quy mô của sân Long Trì và hệ thống Trường Lang, đi dọc từ Đoan Môn vào đến chính điện Kính Thiên, đã làm rõ một số cấu trúc, kiến trúc trên mái của thời kỳ Lê Sơ, Lê trung hưng của khu vực Trung tâm Cấm thành Thăng Long.

“Điện Kính Thiên là hồn cốt của Hoàng thành Thăng Long. Đến Hoàng thành mà không có hình dung cụ thể của không gian điện, chỉ có nhà kiến trúc Pháp, thì cứ như chúng ta đang đánh lừa mọi người. Bằng mọi giá ta phải đẩy nhanh trả lại không gian điện Kính Thiên”, GS.TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói.

Nhà sử học Lê Văn Lan đồng quan điểm rằng, tiến độ nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên đang quá chậm. “Điện Kính Thiên còn rất mơ hồ, chưa có gì cụ thể cả”, ông nói. Theo ông, dù các nhà khảo cổ và nghiên cứu nỗ lực, nhưng suốt 10 năm qua vẫn chưa biết được quy mô của điện, kích thước của từng gian và số lượng các gian của chính điện.

Đề xuất 2.000 tỷ đồng Phục dựng điện Kính Thiên: Chờ đến bao giờ? ảnh 1 Dấu tích thềm điện Kính Thiên Ảnh: KỲ SƠN
Dự án 2.000 tỷ đồng

Điện Kính Thiên là trăn trở của giới khoa học lịch sử, khảo cổ và di sản nước nhà. Sinh thời GS.TSKH, NGND Phan Huy Lê từng nói phải phục dựng bằng được điện Kính Thiên, bằng không chúng ta có tội với tiền nhân. Việc dựng lại không gian điện hoàn toàn có cơ sở, có thể học tập kinh nghiệm từ nhiều nơi. Các nhà khoa học nhắc nhiều tới kinh nghiệm của Nara (Nhật Bản) phục dựng cung điện thành công,

“Không thể đòi hỏi đưa điện Kính Thiên trở về diện mạo của thời Lý bởi còn quá ít tư liệu lịch sử để so sánh và tham khảo. Ta có thể lấy cơ sở từ điện thời Lê”, GS Nguyễn Quang Ngọc nêu. GS TS. Lưu Trần Tiêu cho rằng, có thể tham khảo tư liệu ở Huế trong nghiên cứu để phục dựng điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên có tính chất khá giống điện Cần Chánh ở Huế (nơi thiết triều, tổ chức sự kiện lớn của quốc gia).

Để rút ngắn thời gian nghiên cứu, tìm tư liệu làm cơ sở phục dựng, GS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề xuất mở rộng diện tích khai quật để tìm thêm căn cứ. GS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá, điện Kính Thiên không chỉ là điện mà không gian điện nằm trên trục rất hoàn chỉnh, đó là trục quan trọng nhất của quyền lực. Đây cũng là phần quan trọng của công viên di sản sau này hình thành từ khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu kết nối với Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và khu vực lân cận. “Tôi không tin các nhà khoa học không làm được”, GS Nguyễn Quốc Thông nói.

Sớm hoàn trả hiện vật cho Hoàng thành

Hàng nghìn hiện vật qua các đợt khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long chưa được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội. GS Nguyễn Quang Ngọc sốt ruột vì mấy chục năm sau khai quật vẫn chưa bàn giao hết hiện vật. Ông cho rằng đơn vị chịu trách nhiệm khảo cổ cần báo cáo cụ thể, phải trưng bày thường xuyên hơn để giới thiệu cho nhà nghiên cứu và nhân dân biết tới hiện vật quý của Hoàng thành nhiều hơn.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội trước đó có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam theo đúng tiến độ để triển khai thi công các dự án theo quy hoạch. Trước mắt, Trung tâm tiếp tục sử dụng kho bảo quản tại tầng hầm Nhà Quốc hội và hình thành kho bảo quản tại di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu để đảm bảo đủ diện tích tiếp nhận hiện vật. Trung tâm tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất như kho bảo quản, hệ thống giá kệ, thiết bị kho theo chuẩn quốc tế và điều kiện khác để tiếp nhận, bảo quản và phát huy hiện vật được bàn giao từ 2020-2025. 

MỚI - NÓNG