Thêm căn cứ để phục dựng điện Kính Thiên

Các nhà khoa học, khảo cổ nói rằng kết quả khai quật càng khẳng định giá trị to lớn của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Toan Toan.
Các nhà khoa học, khảo cổ nói rằng kết quả khai quật càng khẳng định giá trị to lớn của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Toan Toan.
TP - Kết quả khảo cổ học năm 2015 tiếp tục chỉ ra nhiều tầng văn hóa dày đặc chồng lấn tại khu vực điện Kính Thiên, khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt các nhà khoa học, trong đó có GS. TS Phan Huy Lê nhấn mạnh có thêm căn cứ vững chắc để khôi phục không gian điện Kính Thiên.

Giá trị lớn

Buổi  báo cáo sơ kết Kết quả khai quật khảo cổ học năm 2015 được tổ chức ngày 14/12, tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội. Trước buổi báo cáo, PGS.TS Tống Trung Tín dẫn đầu đoàn đại biểu tham quan ba hố khảo cổ năm 2015, diện tích khoảng 1.000m2. Ông đánh giá, cuộc khai quật 2015 tiếp nối công việc từ năm 2002 tới nay “đem lại nhận thức đột biến”. “Từ Vườn Hồng qua 18 Hoàng Diệu đến khu vực điện Kính Thiên, cấu trúc địa tầng và các tầng văn hóa mang tính chất thống nhất cao, lớp văn hóa từ Đại La, qua Đinh Tiền Lê - Lý - Trần - Lê sơ - Lê Trung hưng - Nguyễn cho đến thời hiện đại. Di tích các thời kỳ dày đặc, đan xen, chồng xếp liên tiếp”, PGS.TS Tín nói.

Nếu hai năm trước các nhà khoa học phát hiện đường nước lớn thời Lý chạy lên phía Bắc, bao quanh khu vực điện Kính Thiên, năm nay đường nước lớn này chạy tới tường Đoan Môn, thậm chí có dự đoán có thể chạy đến tận Cột Cờ. GS.TS Phan Huy Lê cho rằng, đường nước không chỉ cung cấp và thoát nước mà còn mang giá trị tâm linh, góp phần làm rõ thêm trung tâm của Cấm thành ở khu vực này. Di tích kiến trúc thời Lý xuất lộ thêm hai móng cột lớn ở hai hố H2 và H3, cho thấy quy mô kiến trúc khá lớn.

Dấu tích thời Trần tiếp tục phát lộ. Các chuyên gia khảo cổ xác nhận, khoảng thế kỷ 13 vương triều Trần sử dụng lại di tích thời Lý, nhưng sang thế kỷ 14 có những thay đổi lớn về kiến trúc, chứng tỏ khu vực điện Kính Thiên thay đổi rất lớn ở thời Trần, nhưng hiện nay khó nhận biết. Các nhà khảo cổ phát hiện thêm nhiều dấu tích kiến trúc thời Trần rất quy mô, nhất là dấu tích dải nền hoa chanh và tường gạch. Dấu tích hoa chanh thời Trần đang có xu hướng phát triển về phía đường Hoàng Diệu.

Năm ngoái, các chuyên gia chỉ ra thời Lê Trung hưng là thời tàn nhưng kiến trúc hoành tráng, rực rỡ hơn thời Lê sơ. Kết quả năm nay làm rõ cấu trúc góc Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên. Một lần nữa các nhà khảo cổ xác định móng tường Lê sơ khá kiên cố, được sử dụng lại vào đời Lê Trung hưng. Không gian hành lang nhà thời Lê sơ bắt góc về phía Đoan Môn. Những tư liệu này chỉ ra không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ, Lê Trung hưng được làm rõ ở góc Tây Nam này.

Không thể chờ khai quật xong mới phục dựng

Ông Nguyễn Viết Chức,  Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa xã hội (UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội đề nghị nên có cuộc tổng kết lớn, xâu chuỗi kiến thức, tri thức của các giáo sư đầu ngành tham gia các cuộc khảo cổ Hoàng thành suốt thời gian qua. GS Hoàng Văn Khoán cũng nhấn mạnh, cần hệ thống hóa những hiểu biết cho đến nay về Hoàng thành Thăng Long. Thậm chí ông cũng mạnh dạn cho rằng “phải di dời các di tích hiện đại để khảo cổ khu vực được coi là chính điện”.

Trong hội thảo khoa học năm ngoái, PGS.TS Tống Trung Tín nói vui, cứ tốc độ này trăm năm nữa ta mới khảo cổ xong Hoàng thành. GS Nguyễn Quang Ngọc đề xuất: “Kết quả năm nay giúp ta có thêm chứng cứ làm rõ nhiều giá trị trước đó chưa rõ. Chúng ta phải học tập Nara, phải khai quật hết di tích và không nên chờ đào hết mới khôi phục”. GS Ngọc muốn Hà Nội cho phép tăng tốc khảo cổ, mở rộng diện tích đồng thời triển khai nhanh hơn đề án nghiên cứu, phục dựng không gian điện Kính Thiên-Hà Nội phê duyệt đầu năm nay.        

Khẳng định dấu tích thời Lê sơ khiến cho tư liệu khôi phục không gian điện Kính Thiên rõ ràng hơn, mặt khác GS.TS Phan Huy Lê nhắc nhở các nhà khảo cổ thận trọng. Ông cho rằng cần làm rõ cụm công trình ở 18 Hoàng Diệu. Ông nêu quan điểm ở đây tồn tại cụm công trình kiến trúc mang ý nghĩa tâm linh: Ngoài đàn tế trời phát lộ gần đây, dưới nền nhà Quốc hội góc Tây Nam mới đây cũng có dấu tích của đàn tế trời.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội đang quan tâm, chỉ đạo nghiên cứu đề án phục dựng không gian điện Kính Thiên. Thành phố cũng giao Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng kế hoạch, đề án khảo cổ trong từng giai đoạn dài, giúp làm sáng tỏ giá trị lịch sử văn hóa của di sản thế giới.

TS Nguyễn Viết Chức nói nên gắn liền chuyện xưa cũ với đời sống hôm nay, thông qua những kết quả, di vật khảo cổ thu được. PGS.TS Đặng Văn Bài: “Tôi có cảm giác chúng ta chưa phổ biến tri thức khảo cổ được bao nhiêu”. GS.TS Phan Huy Lê đề xuất, Trung tâm nên dành ra một phòng chuyên đề, trưng bày di vật tiêu biểu để giới thiệu, cập nhật kết quả nghiên cứu hàng năm. “Kết quả khảo cổ không có gì bí mật cả, phải quảng bá nhiều hơn”, GS Lê nói. Nhà sử học Lê Văn Lan góp thêm, nhiều chuyên gia nước ngoài thắc mắc vì ít được tham gia vào quá trình khảo cổ tại di sản thế giới Hoàng thành.

MỚI - NÓNG