Chuyên gia quốc tế hiến kế phát huy giá trị Hoàng Thành

Tương lai du khách không chỉ được chiêm ngưỡng Thềm rồng, mà có thể tận thấy điện Kính Thiên được phục dựng. Ảnh: H.Nguyên
Tương lai du khách không chỉ được chiêm ngưỡng Thềm rồng, mà có thể tận thấy điện Kính Thiên được phục dựng. Ảnh: H.Nguyên
TP - Chuyên gia quốc tế đánh giá, di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long mới khai thác được khoảng 10% tiềm năng du lịch, tại hội thảo quốc tế Bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhìn từ Hoàng thành Thăng Long, 23/11.

Đầy tiềm năng

Không có nhiều thời gian tổng kết thành tựu khảo cổ sau 5 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận di sản thế giới, PGS.TS Tống Trung Tín điểm qua một số thành tựu quan trọng. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thì nhấn mạnh, thành tựu cao nhất của khảo cổ trong phạm vi hẹp thời gian qua là tìm ra Đan Trì của kinh thành Thăng Long ở thế kỷ 15 và 17. Các nhà khoa học khẳng định trục trung tâm Cấm thành ở thời Lê, nhưng chưa đủ căn cứ ở thời Lý-Trần. Riêng vấn đề này “rất hấp dẫn các nhà nghiên cứu không chỉ khảo cổ học, mà cả lịch sử, nghiên cứu so sánh với Trung Quốc, Nhật Bản”.

Trong nhiều hội thảo trước đó bàn về giá trị Hoàng thành Thăng Long, các chuyên gia đều nhận định những căn cứ khoa học này có thể giúp thế hệ con cháu hình dung về kinh thành xưa. Trước mắt thì những di vật, kết quả khảo cổ được trưng bày vừa khẳng định giá trị di sản, vừa góp phần thu hút du khách. Tương lai xa hơn phải nghĩ đến việc để con cháu “mục sở thị” những công trình quan trọng qua việc phục dựng Điện Kính Thiên chẳng hạn. Điều này Nhật Bản, Hàn Quốc làm trước ta rất lâu và thành công.

Ngoài các hố khảo cổ thuộc 18 Hoàng Diệu (được công nhận Di sản thế giới năm 2010), thì khu 19 Hoàng Diệu gồm các kiến trúc Hậu Lâu, cổng Đoan Môn, nền điện Kính Thiên nay được đưa vào khai thác du lịch. Kiến trúc sư người Pháp Michel Verrot nhận định, với diện tích hơn 18ha, quần thể này đủ khả năng đón gần 2,4 triệu lượt khách/năm. Khu 18 Hoàng Diệu sau này được quy hoạch thành công viên lịch sử khảo cổ có thể đón 1.500 khách/ngày, khu Thành cổ Hà Nội có thể đón 5 nghìn khách/ngày. Tuy nhiên, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cho biết, hai năm qua lượng khách đến Hoàng thành chỉ 120-160 nghìn lượt. “Tiềm năng nhiều nhưng chưa khai thác hết”, vị này thừa nhận.

Biến thành di sản sống động

Bà Mechthid Roessler, Giám đốc Trung tâm di sản thế giới của UNESCO nhấn mạnh: “Di sản không chỉ dành cho chúng ta, mà thuộc về các thế hệ tương lai. Chúng ta phải bảo tồn cho tương lai”. Một trong những khuyến nghị của UNESCO là để cộng đồng được hưởng thụ giá trị di sản thế giới, đi liền với sự giám sát về tăng trưởng du lịch, đánh giá tác động của nó tới di sản. Rõ ràng với vai trò trung tâm chính trị quốc gia, có sự tiếp nối nhiều vương triều ở Hoàng thành chính là kho báu đầy sức hút.

GS William Logan, ĐH Deakin, Australia nhấn mạnh “giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long, với tư cách là di sản thế giới phải được phát huy, tức là bảo tồn và diễn giải như từng khẳng định khi được đề cử”.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng hướng phát huy tốt nhất là “trả lại cho Hoàng thành cảnh quan, giá trị, hình ảnh đúng vào thời của nó. Nhiều người muốn vào muốn tìm hình ảnh Hoàng thành Thăng Long nhưng chỉ thấy hình ảnh nhà Tây dưới thời Pháp. Làm thế nào có sự cân bằng, hài hòa giữa các thời đại của khu di tích quan trọng này, nhưng trong sự hài hòa đó phải phân biệt đâu là trọng tâm của sự hài hòa ấy, dĩ nhiên di tích của hơn 900 năm là điều quan trọng”.

Ông cũng nhất trí với quyết tâm phục dựng điện Kính Thiên, dù bài toán này cần nhiều thời gian. Hà Nội cũng có hẳn đề án nghiên cứu và phục dựng điện Kính Thiên, mở ra hy vọng: Tương lai, người dân Việt có thể chiêm ngưỡng Kinh thành xưa trong hình hài cụ thể, chứ không chỉ tưởng tượng dựa trên những hình ảnh khai quật. TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói thêm, nếu xác định phục dựng lại điện Kính Thiên, thì phải làm rõ công năng, ảnh hưởng của nó đến các di sản xung quanh-có như thế mới đáp ứng được nhu cầu.

Xung quanh vấn đề này, GS.Inoue Kazuto (Nhật Bản) chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, chỉnh trang Cung Heijo (Nara), còn ông Cho Kyuhyung, Phó giám đốc Trung tâm quản lý cung Changdeokgung, Tổng cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc nhắc lại kinh nghiệm trùng tu, phục dựng các công trình lịch sử ở Hàn Quốc.

Ngoài ý kiến của các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề bảo tồn những giá trị di sản dưới lòng đất, hoặc kiến trúc và di sản trên mặt đất, nhiều đại biểu mong muốn Hoàng thành phải là di sản sống động hơn. TS Dương Văn Sáu, ĐH Văn hóa đề cập hình thức bảo tồn động: Đưa các hoạt động xã hội vào môi trường mà di sản đó tồn tại, nhằm tận dụng và phát huy sức mạnh giá trị nội tại của di sản. Ông nói đến giải pháp tăng tính hấp dẫn của Hoàng thành Thăng Long với ý nghĩa điểm đến du lịch, gắn với các hoạt động truyền thông đa phương tiện, tổ chức sự kiện.

Sự kiện ở Hoàng thành phải chọn lọc?

Gần đây Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tạo nhiều sự kiện tại Hoàng thành. Đại diện trung tâm giải thích, không phải sự kiện nào cũng có thể đặt chân vào đây, bởi tiêu chí thường là sự kiện chính trị, văn hóa lớn hoặc gắn với truyền thống. Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa - theo vị này là trường hợp đặc biệt, bởi chương trình có tính thương mại nhưng lại thu hút lượng người trẻ rất lớn (?).

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.