Di sản hát Xoan thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ trả lời họp báo.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ trả lời họp báo.
TPO - Chiều 23/11, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức họp báo thông báo kết quả 4 năm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát Xoan Phú Thọ, theo đó di sản này được tuyên bố ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Cách đây 4 năm, hát Xoan đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Liên tục giai đoạn 2011-2015, tỉnh Phú Thọ đã rất tích cực triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan, khẩn trương xây dựng ngay Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị” của di sản này và được Thủ tướng phê duyệt, có kế hoạch cụ thể, chính sách kinh phí, vinh danh và tiếp sức cho các nghệ nhân để các cụ trao truyền làn nghệ thuật dân gian đặc sắc này cho giới trẻ.

Đặc biệt đưa Xoan vào trường học, xây dựng Tổng tập hát Xoan Phú Hoạt động hát Xoan thực sự có tầm chiến lược hướng đến mục tiêu đưa Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay số lượng các thành viên ở 4 phường Xoan đã tăng lên (từ 72 nghệ nhân năm 2006 nay lên tới 135 nghệ nhân). 

Từ 7 cụ đã rất cao tuổi còn có khả năng truyền dạy, thì nay đã có 62 nghệ nhân kế cận tiếp tục làm thầy dạy ở các câu lạc bộ, phường, làng Xoan. Từ 13 câu lạc bộ người yêu thích Xoan, nay tăng lên 30 CLB với số hội viên hơn 1.100 người.


19 di tích liên quan đến hát Xoan, đặc biệt là miếu Lãi Lèn hay đình Thét, 
đình làng Kim Đới, đình An Thái (đều ở Tp Việt Trì) – những di tích cổ nhất gắn với sự ra đời của hát Xoan, đều đã được khôi phục, tu bổ, tôn tạo và đưa vào sử dụng. 80/90 trường học ở Tp Việt Trì đã gắn hát Xoan vào chương trình dạy học của nhà trường và được Bộ GD-ĐT cho phép.


Đến nay Phú Thọ đã vinh danh, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan cho 52 người, và Chủ tịch nước đã đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lần thứ nhất cho 19 nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh này.

Trong hàng loạt di sản cần bảo vệ khẩn cấp phải báo cáo lên UNESCO sau 4 năm vừa qua trên thế giới (năm 2014), chỉ duy nhất hát Xoan Phú Thọ tự tin khẳng định đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Được biết UNESCO sẽ có cuộc kiểm tra tại Phú Thọ tới đây, sau đó thực hiện các thủ tục đưa Xoan vào danh sách di sản đại diện của nhân loại.

Ý nghĩa phồn thực mà sâu xa của Xoan, vừa phổ thông vừa tinh hoa, lại bắt nguồn từ thời đại Hùng Vương được dân gian gìn giữ cho đến tận ngày nay, nói lên bản sắc Việt, tình đoàn kết đồng bào Việt, và chất nghệ thuật có sức sống kỳ lạ, trường tồn. Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - chủ trì họp báo, nói việc “cải biên” làm “làm mới” Xoan đều được tỉnh Phú Thọ rất quan tâm, nhưng chắc chắn cái tinh hoa, cái “gen” quý của Xoan được gìn giữ và bảo tồn rất nghiêm túc.

Du khách đến với tỉnh Phú Thọ, nhất là vào dịp trẩy hội Đền Hùng, đều có thể được chiêm ngưỡng, thụ hưởng những làn Xoan, Ghẹo đặc sắc tại những phường Xoan gần Đền Hùng (nằm tại Tp Việt Trì). Ngày nay, nhiều hãng du lịch lữ hành đã kết nối với những địa chỉ này để đưa du khách đến xem hát Xoan.

Tại cuộc họp báo, phía tỉnh Phú Thọ khẳng định không có cuộc “lobby” nào để Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp – trả lời một câu hỏi của một nhà báo về điều này.

MỚI - NÓNG