Theo Đại tá Đỗ Đức Tính, cán bộ thuộc Bộ Tổng tham mưu, từ tháng 10/1954, khi bộ đội ta tiếp quản Thủ đô thì khu vực Thành cổ Hà Nội trở thành trụ sở chính của Bộ Quốc phòng. Đây là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương - Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan Tổng cục.
Đại bản doanh được chia làm 3 khu A, B, C trong đó khu A là quan trọng nhất. Khu A được giới hạn bởi đường Phan Đình Phùng, đường Nguyễn Tri Phương, đường Hoàng Diệu và Đoan Môn. Đóng vai trò hạt nhân trong khu A là Nhà con Rồng trên nền Điện Kính Thiên xưa và Nhà Sở chỉ huy (nhà D67), hầm ngầm D67. Đây là nơi phát đi hàng ngàn bức điện khẩn tối mật gửi đến các chiến trường, là nơi họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh... quyết định nhiều vấn đề hệ trọng trong những năm kháng chiến chống Mỹ và trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Đại tá Mai Chung, nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Công binh từng là người trực tiếp xây dựng hầm ngầm D67 cho biết, bản thân ông từng được giao nhiệm vụ thiết kế hầm cùng với đồng chí Nguyễn Lam Sinh. Hầm D67 được xây dựng vào năm 1964 trên nền Điện Kính Thiên theo yêu cầu của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh.
Hầm D67 có hai đường dẫn xuống bắt nguồn từ hai phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng trong nhà D67. Đường hầm rộng 1,2m, có 45 bậc thang bê tông, trát đá granit. Quá trình xây dựng hầm đã sử dụng tới hơn 3.000 tấn bê tông.
Đi sâu xuống 10m là hệ thống văn phòng của hầm D67 chia làm 3 phòng. Trong đó, phòng họp có chiều dài 9,15m, chiều rộng 3,88m; bề dày tường là 0,47m bằng bê tông cốt thép mác cao. Phòng họp hình chữ nhật toàn khối, nền lát gạch, có một cửa ra vào. Phòng trực ban - thông tin có chiều dài 3,44m; chiều rộng 3,88m dành cho ban thư ký và để máy móc, điện đài. Phòng chứa các thiết bị thông hơi lọc độc có chiều dài 1,97m; chiều rộng 3,88m. Phòng này chứa hệ thống thông hơi, lọc độc cung cấp không khí sạch cho người sử dụng khi hệ thống các cửa đóng kín.
Toàn bộ hệ thống hầm ngầm đều liên hoàn đường điện máy phát. Hệ thống thông tin liên lạc, hậu cần, lương thực…các lối lên xuống đều có hai lớp cửa thép sơn dày 12cm, có nhiều tay nắm và hệ thống gioăng cao su. Các cửa này dùng để chống sóng xung kích của bom đạn nổ dội vào, có thể ngăn nước và khí độc.
Cũng theo Đại tá Mai Chung, thiết kế kỹ thuật tại đây đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trên nóc công trình là lớp cát đệm và tấm bê tông cốt thép mác cao tăng cường có chiều dày và chiều rộng đủ để khi bom nổ phía trên nóc hay bên cạnh đều không gây hại đến công trình. Hầm ngầm có khả năng chống được các loại bom tấn, bom xuyên. Do là công trình đặc biệt quan trọng nên thường phải thi công vào ban đêm, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Ngay khi thiết kế, thi công đã phải xác định từng người tiếp xúc với công trình. Cán bộ thi công được tuyển chọn chặt chẽ...
Hiện nay, bên trong hầm ngầm vẫn trưng bày một số trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Quân ủy Trung ương tại thời điểm đó như máy điện thoại, thiết bị thông tin, máy phát điện, bản đồ. Sau hơn 50 năm sử dụng, đến nay hầm ngầm vẫn chưa hề bị thấm nước…
Hầm D67 có hai đường dẫn xuống bắt nguồn từ hai phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng trong nhà D67. Đường hầm rộng 1,2m, có 45 bậc thang bê tông, trát đá granit. Quá trình xây dựng hầm đã sử dụng tới hơn 3.000 tấn bê tông.
Ảnh trong bài: Hồng Vĩnh.