Đã xét nghiệm ADN cho cá thể rùa hồ Đồng Mô

Đã xét nghiệm ADN cho cá thể rùa hồ Đồng Mô
TP- Đã có sự khác biệt trong cách nhìn nhận của các nhà khoa học về cá thể rùa hồ Đồng Mô được phóng thích hôm 26/11, sau khi nó bị đánh bắt bởi một gia đình làm nghề đánh cá ở TP Sơn Tây, Hà Nội.
Đã xét nghiệm ADN cho cá thể rùa hồ Đồng Mô ảnh 1
Tiêu bản rùa Rafetus swinhoei chụp tại bảo tàng Luân Đôn Ảnh do GS Hà Đình Đức cung cấp

Các nhà bảo tồn nước ngoài khẳng định cá thể này cùng loài với cụ rùa hồ Hoàn Kiếm trong khi người được mệnh danh là nhà Rùa học của Việt Nam lại phản bác.

Trao đổi với chúng tôi ngày 29/11, PGS.TS Hà Đình Đức, nhà Rùa học của Việt Nam, cho biết, ông đã xem qua ảnh cá thể rùa hồ Đồng Mô và khẳng định đây không phải là loài rùa Hồ Gươm.

“Đây chính là con rùa mà người ta phát hiện và công bố vào tháng 8/2007 và cho là cùng loài với rùa Hồ Gươm. Ngay từ thời điểm đó tôi đã phản bác thông tin này” - PGS.TS Đức nói – “Năm 1998, trong chương trình nghiên cứu về Hồ Gươm và Rùa Hồ Gươm, tôi và TS. Lưu Đức Hải (hiện là Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng) đã đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thượng Hải.

GS. Yong Zoo - Giám đốc Bảo tàng và GS. Ma Zifang - Phó Giám đốc bảo tàng - hai chuyên gia nghiên cứu rùa Trung Quốc - đã tặng tôi và TS. Hải cuốn sách Rùa Trung Quốc do hai GS này và một chuyên gia nữa viết. Các vị GS này khẳng định Trung Quốc không có loài rùa Rafetus swinhoei trong tự nhiên.

Loài rùa này được mô tả năm 1783 bởi TS. Gray và được lưu trữ ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London là do ngài Swinhoe từ Trung Quốc gửi tặng, nhưng có thể tiêu bản này được đưa từ nơi khác mà ngài Swinhoe đã mua ở chợ.

Năm 2005, TS. Nguyễn Lân Hùng hiện là Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh học trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London và chụp cho tôi mấy tấm ảnh mẫu chuẩn Rafetus swinhoei được Gray mô tả lần đầu tiên. Về hình thái con rùa Đồng Mô hoàn toàn khác với Cụ Rùa Hồ Gươm” – PGS Đức khẳng định. Theo ông, nhìn qua ảnh, trên đầu rùa hồ Đồng Mô có chấm trắng, vàng, trong khi đầu rùa hồ Hoàn Kiếm hoàn toàn trơn tru.

“Muốn biết chính xác có phải đó là rùa hồ Gươm hay không thì phải đem đi làm xét nghiệm AND” – PGS Đức cho biết thêm.

Đã xét nghiệm ADN cho cá thể rùa hồ Đồng Mô ảnh 2

Đã xét nghiệm ADN

Về vấn đề này, ông Douglas Hendri, Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á, cho hay, tổ chức của ông và PGS Đức đã có cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm với nhà Rùa học và không có sự thống nhất.

“Chúng tôi có đủ cơ sở khoa học để khẳng định cá thể rùa hồ Đồng Mô cùng loài với rùa hồ Hoàn Kiếm” - Ông Douglas nói. Chúng tôi đã làm xét nghiệm ADN cho cá thể rùa này tại Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật. Kết quả đây chính là loài Rafatus swinhoei Trung tâm Tài nguyên Môi trường (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đang tiến hành xét nghiệm ADN một lần nữa của cá thể rùa này để khẳng định kết quả một lần nữa”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Peter Richard, chuyên gia bảo tồn quốc tế, nhà khoa học hàng đầu hiện nay về loài rùa Rafetus swinhoei – hiện đang nghiên cứu về hai cá thể rùa cùng loài ở vườn thú Trung Quốc – từng sang Việt Nam nhiều lần để nghiên cứu về loài này.

Ông đã mang từ Việt Nam sang Trung Quốc 2 bộ xương rùa Refetus swinhoei để so sánh với 2 cá thể rùa đó và xác định chúng cùng một loài.  

MỚI - NÓNG