Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh, quyết định nới lỏng một số quy định từ 5/9

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau gần 20 ngày thực hiện biện pháp phong tỏa cứng toàn thành phố, Đà Nẵng có thể khẳng định đã kiểm soát được dịch bệnh.

Chiều ngày 3/9, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Xét về tổng thể, sau gần 20 ngày thực hiện biện pháp phong tỏa cứng toàn TP, Đà Nẵng có thể khẳng định đã kiểm soát được dịch bệnh. TP có đủ cơ sở để xác định rõ các vùng và mức độ nguy cơ.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, TP Đà Nẵng đã quyết định nới lỏng một số quy định sau 8h ngày 5/9. Việc nới lỏng nhằm đáp ứng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản trên địa bàn đồng thời giải quyết tư tưởng, tâm lý của người dân sau khi thực hiện phong tỏa cứng 20 ngày.

Theo ông Quảng, dịch luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào, ở tất cả các địa phương. Sau thời gian dài không có ca mắc trong cộng đồng, quận Sơn Trà lại xuất hiện chuỗi lây mới, cho thấy mầm bệnh trong cộng đồng còn rất phức tạp.

Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh, quyết định nới lỏng một số quy định từ 5/9 ảnh 1

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng từ ngày 1/8 đến ngày 3/9.

Hiện nay năng lực ngành y tế Đà Nẵng hoàn toàn có thể chủ động được hai việc quan trọng là cách ly và tổ chức điều trị. Số ca tử vong tại TP chiếm tỉ lệ thấp.

Với tình hình dịch bệnh hiện nay, Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh: Phải sẵn sàng sống chung với dịch chứ không phải coi đây là lần cuối thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

"Phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng, nếu tình hình dịch bệnh phức tạp thì phải quay lại áp dụng biện pháp mạnh. Nếu tình hình dịch bệnh khả quan hơn thì sẽ nghiên cứu tiếp tục mở thêm các hoạt động”, ông Quảng cho biết.

Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh, quyết định nới lỏng một số quy định từ 5/9 ảnh 2

Đà Nẵng sẽ nới lỏng một số hoạt động tại vùng vàng và vùng xanh từ 8h ngày 5/9.

Theo quyết định của UBND TP Đà Nẵng, từ 8h ngày 5/9, tiếp tục áp dụng các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND TP. Việc áp dụng các biện pháp được phân theo từng cấp độ nguy cơ: Vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh.

Tại vùng đỏ, tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly y tế theo quy định.

Tại vùng vàng, người dân được yêu cầu không ra khỏi nhà; chỉ được phép ra khỏi nhà tham gia các hoạt động với các điều kiện: Có giấy đi đường QRCode kèm giấy tờ tùy thân ; Thực hiện 5K, không quá 2 người tại nơi công cộng; Đeo tấm che mặt khi giao tiếp trực tiếp; Di chuyển “1 cung đường - 2 điểm đi/đến và ngược lại”. Người dân được mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hoá, quầy thuốc trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố...

Trong khi đó, tại vùng xanh, chợ truyền thống được hoạt động với điều kiện có vách ngăn giữa người bán, người mua. Mỗi gia đình 1 người được đi chợ 5 ngày/lần kèm giấy đi chợ QRCode hợp lệ. Người dân được tập thể dục ngoài trời từ 5h đến 7h với khoảng cách 2 mét. Nhà hàng, cửa hàng, dịch vụ ăn, uống được đặt hàng và bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi cho khách hàng. Không được phục vụ khách tại chỗ. (Nguyễn Thành)

Đà Nẵng hỗ trợ mỗi hộ dân 500 ngàn đồng

Theo đó, tất cả các hộ dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (ngoài danh sách đã hỗ trợ theo Công văn 5433) sẽ được hỗ trợ 500 ngàn đồng/hộ. Theo thống kê, có 226.225 hộ sẽ nhận hỗ trợ trong đợt này.

Các đối tượng bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tập trung được hỗ trợ 250 ngàn đồng/người. Trên địa bàn có 10 đơn vị nuôi dưỡng đối tượng xã hội, với 257 người.

Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh, quyết định nới lỏng một số quy định từ 5/9 ảnh 3

Một hộ dân khó khăn trên địa bàn quận Cẩm Lệ nhận quà hỗ trợ. Ảnh: Thanh Trần.

Tổng số tiền hỗ trợ đợt này hơn 113 tỷ đồng.

Trước đó, Đà Nẵng đã tiến hành hỗ trợ theo Công văn số 5433 ngày 22/8 của UBND TP. Trong đó khoảng 46 tỷ đồng hỗ trợ bằng tiền mặt, 25 tỷ đồng chi mua hàng hóa thiết yếu hỗ trợ người dân.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.