Đà Nẵng di dời cả trăm dân, Đà Lạt lái xe chưa tiêm vắc xin không được 'đi' hàng liên tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
Đà Nẵng di dời cả trăm dân, Đà Lạt lái xe chưa tiêm vắc xin không được 'đi' hàng liên tỉnh
TPO - Chiều nay (3/9) phường Tam Thuận (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã di dời 14 hộ dân với 98 nhân khẩu thuộc tổ 30 và 31 đến trường Tiểu học Bế Văn Đàn.

Theo bà Hồ Đàm Như Nga, Chủ tịch UBND phường, hiện trên địa bàn đã có hơn 200 ca mắc. Trong đó tổ 30, 31 có đến 47 ca.

Đà Nẵng di dời cả trăm dân, Đà Lạt lái xe chưa tiêm vắc xin không được 'đi' hàng liên tỉnh ảnh 1

Kiệt 112 Trần Cao Vân (phường Tam Thuận) nhiều ngày qua liên tục ghi nhận ca mắc COVID-19.

Với địa bàn kiệt hẻm nhỏ, dân cư đông đúc, không gian chật hẹp, ẩm thấp không thể đảm bảo 5K, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Vì vậy phường đã di dời 14 hộ dân trên để giãn bớt số dân trong kiệt, tránh phát sinh các ca mắc mới.

Trong ngày 3/9, trên địa bàn phường Tam Thuận tiếp tục ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm. Tại K112 có 5 ca, K158 có 4 ca, K160 có 4 ca, K264 có 4 ca…Đây đều là các vùng đỏ.

Đà Nẵng di dời cả trăm dân, Đà Lạt lái xe chưa tiêm vắc xin không được 'đi' hàng liên tỉnh ảnh 2

Lực lượng quân đội được tăng cường đến các kiệt hẻm để giám sát việc chấp hành các biện pháp chống dịch của người dân.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu lực lượng chức năng phải siết chặt các biện pháp để hạn chế, kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh tại khu vực các kiệt, hẻm nhỏ cũng như các khu chung cư đông dân. Đồng thời các phường, xã rà soát, chuẩn bị phương án giãn dân tại các khu vực kiệt, hẻm nhỏ hoặc chung cư có mức độ nguy cơ rất cao trong trường hợp cần thiết, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Chưa tiêm vắc xin COVID-19, lái xe không được vận chuyển hàng hóa liên tỉnh

Trước tình trạng hàng chục tài xế và phụ xe mắc COVID-19, trong đó có một số người liên quan đến 3 vụ án làm lây lan dịch ra cộng đồng, Sở GTVT Lâm Đồng ra văn bản khẩn yêu cầu không được sử dụng lái, phụ xe chưa được tiêm phòng vắc xin để vận chuyển hàng hóa liên tỉnh.

Ngày 3/9, Sở GTVT Lâm Đồng gửi văn bản khẩn đến các đơn vị vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh và các chủ phương tiện kinh doanh vận tải về việc đảm bảo điều kiện tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho tài xế và phụ xe để vận chuyển hàng hóa.

Theo đó, kể từ 12 giờ ngày 3/9, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải và chủ phương tiện không được sử dụng tài xế và phụ xe chưa được tiêm phòng vắc xin COVID-19 tham gia vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Trường hợp nào đang trên đường vận chuyển hàng hóa thì chỉ được hoạt động cho đến khi kết thúc hành trình vận chuyển đó.

Những trường hợp không tuân thủ việc tiêm phòng vắc xin sẽ không được giải quyết lưu thông qua các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 trên địa phận tỉnh Lâm Đồng.

Sở GTVT cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ đội ngũ tài xế, phụ xe của các đơn vị và hộ kinh doanh vận tải, nếu chưa được tiêm phòng thì liên hệ ngay với Trung tâm y tế ở địa phương để được ưu tiên tiêm phòng vắc xin COVID-19 đợt cuối.

Trước đó, bắt đầu vào trung tuần tháng 7/2021, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vận tải ở địa phương đã được tỉnh Lâm Đồng lập danh sách ưu tiên tiêm vắc xinphòng dịch COVID-19.

Là địa phương sản xuất nông nghiệp hàng đầu cả nước, hoạt động vận tải hàng hóa liên tỉnh giữa Lâm Đồng và địa phương khác, nhất là vùng dịch khá nhộn nhịp, gây nhiều khó khăn cho việc phòng chống lây lan dịch bệnh COVID-19. Đến nay đã có hàng chục tài xế và phụ xe dương tính với SARS-Cov-2, trong đó có một số tài xế liên quan đến 3 vụ án lây lan dịch mà công an các huyện Đức Trọng và Đơn Dương đã khởi tố.

10 địa phương có tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cao nhất nước

Đến nay, nước ta đã tiêm được hơn 20,8 triệu liều vắc xin COVID-19 trong tổng số hơn 29 triệu liều vắc xin Việt Nam tiếp nhận. Hiện 10 địa phương có tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 cao nhất (tính theo số vắc xin phân bổ) là: Bắc Giang, Đồng Tháp, Bình Phước, Cà Mau, Vĩnh Long, Yên Bái, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Điện Biên, Lâm Đồng.

Trước đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tổ chức tiêm tại nhiều cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

Theo đó, khẩn trương rà soát các đối tượng đã tiêm mũi 1 và lập kế hoạch tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian tại đơn vị mình để chủ động tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt vắc xin COVID-19.

Tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Y tế, trên cơ sở kế hoạch của UBND thành phố, Sở Y tế sẽ phân bổ vắc xin đến các quận, huyện, thị xã trên quan điểm, khi tiếp nhận vắc xin phải tổ chức tiêm chủng nhanh nhất, không giới hạn số lượng người đến tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng.

Đồng thời, tại các điểm tiêm chủng cố gắng kéo dài thời gian tiêm chủng trong ngày để nhiều người được tiếp cận vắc xin sớm nhất nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Trong giai đoạn hiện nay, quan điểm về việc phân bổ vắc xin COVID-19 có những thay đổi so với những giai đoạn trước, tập trung vào 5 nhóm đối tượng: Người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian để tiêm mũi 2; người làm trong các chuỗi cung ứng dịch vụ thiết yếu; người trong nhóm nguy cơ, người sinh sống tại "vùng đỏ"; công nhân tại khu công nghiệp; người tham gia chống dịch. Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã triển khai ưu tiên tiêm chủng cho 3 đối tượng: Người mắc bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi và phụ nữ mang thai trên 13 tuần.

Trong ngày 2/9, Hà Nội tiêm 4.040 mũi vắc xin COVID-19, nâng tổng số mũi tiêm đã được tiến hành ở Thủ đô lên 2.180.814 mũi (trong đó có 1.980.637 mũi 1; 200.177 mũi 2). Như vậy, đến nay 35,68% số người dân trong độ tuổi tiêm chủng ở Hà Nội đã được tiêm vắc xin.

Từ 5/9, Đà Nẵng nới lỏng một một số hoạt động ở vùng xanh và vùng vàng

Đối với vùng đỏ áp dụng biện pháp theo quy định tại Quyết định số 3986 ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Công điện số 1168 ngày 07/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với vùng vàng (bao gồm cả vùng/điểm xanh ở các khu dân cư tại các phường, xã vùng vàng): Áp dụng các biện pháp theo tinh thần Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND thành phố; tiếp tục yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi tham gia các hoạt động phải có Giấy đi đường QRCode kèm theo giấy tờ tùy thân. Thực hiện nghiêm quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách (tối thiểu 02 mét) - Không tập trung - Khai báo y tế); không tập trung quá 02 người tại nơi công cộng. Đeo tấm che mặt trong suốt khi tham gia hoạt động giao tiếp trực tiếp. Thực hiện di chuyển theo nguyên tắc “1 cung đường - 2 điểm đi/đến và ngược lại”.

Người dân được phép đến mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc trong phạm vi cùng thôn/tổ dân phố. Trường hợp cần thiết đi ra khỏi phạm vi thôn/tổ dân phố để mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc thì phải có Giấy đi đường do UBND phường, xã cấp (1 người/1 hộ gia đình với tần suất 05 ngày/lần).

Các cửa hàng tạp hóa, quầy thuốc/nhà thuốc phải đảm bảo có dây giăng, vạch kẻ để phân luồng ra/vào, giãn cách giữa những người mua, bán hàng.

Hoạt động của các công ty thương mại đầu mối; trung tâm thương mại; siêu thị; chuỗi cửa hàng tiện lợi (chuỗi siêu thị mini); các điểm bán hàng tại khu dân cư, điểm bán hàng tại một số chợ do cơ quan có thẩm quyền tổ chức: Không được bán hàng trực tiếp cho người dân; chỉ được bán hàng thông qua các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động giao nhận, cung ứng hàng hóa cho người dân.

Hoạt động của các cửa hàng, công ty cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch; cơ sở dịch vụ khám, chữa bệnh; cơ sở cách ly y tế tập trung; các điểm tiêm chủng; cơ sở xét nghiệm.

Hoạt động của các cửa hàng, doanh nghiệp cấp gas, cấp điện, cấp nước, xăng dầu; bưu chính; viễn thông; phát hành báo chí; cảng hàng không; nhà ga đường sắt; trạm quản lý đường bộ: Bố trí tối đa 30% số người làm việc.

Hoạt động của ngân hàng: Bố trí tối đa 40% số người làm việc. Hoạt động của cảng biển: Bố trí tối đa 50% số người làm việc; trường hợp đảm bảo thực hiện điều kiện “3 tại chỗ” bố trí tối đa 70% số người làm việc.

Hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp (đăng kiểm; kiểm toán; đăng ký giao dịch bảo đảm; bảo hiểm; bảo vệ chuyên nghiệp): Bố trí tối đa 30% số người làm việc.

Hoạt động của dịch vụ bổ trợ tư pháp (công chứng; luật sư; đấu giá; thừa phát lại; trọng tài thương mại; tư vấn pháp luật; quản lý, thanh lý tài sản; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc): Bố trí tối đa 30% số người làm việc nhưng không quá 05 người.

Trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: Bố trí tối đa 50% số người làm việc; trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí tối đa 70% số người làm việc.

Ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp: Bố trí tối đa 30% số người làm việc; trường hợp đảm bảo điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí tối đa 50% số người làm việc. Hoạt động của các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh tối đa 30% số người làm việc.

Hoạt động của những người giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (gọi chung là shipper): Phải thường xuyên mặc trang phục bảo hộ của ngành y tế, đeo khẩu trang y tế đạt chuẩn, tấm che mặt trong suốt, găng tay và khử khuẩn tay bằng nước sát khuẩn khi tham gia hoạt động; đã được tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Hoạt động tác nghiệp báo chí: Tối đa 6 người/đơn vị phát thanh, truyền hình; tối đa 2 người/báo in, báo điện tử; 1 người/tạp chí.

Hoạt động của cơ quan, công sở nhà nước bố trí tối đa 30% số người làm việc (trừ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch như công an, quân đội, y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp).

Tiếp tục dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại tổ một cửa Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường, xã (nhưng vẫn bảo đảm giải quyết, xử lý công việc của công dân và doanh nghiệp); đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Tiếp tục dừng các hoạt động hội họp chưa thật sự cấp thiết; trong trường hợp phải tổ chức các cuộc họp, sự kiện thì phải bảo đảm giãn cách 02 mét và tập trung không quá 20 người trong 01 phòng, ngoại trừ các cuộc họp, sự kiện quan trọng được cấp có thẩm quyền cho phép. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà và tham gia các công tác phòng, chống dịch tại địa phương…

Hoạt động tang lễ và dịch vụ tang lễ không quá 48 tiếng, chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người; không tổ chức các đoàn viếng. Chỉ được sử dụng phương tiện ô tô để đưa tang, trường hợp đoàn xe đưa tang ra khỏi thành phố phải có xác nhận của chính quyền địa phương (phường, xã).

Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dừng hoạt động trong thời gian thực hiện Quyết định này phải bố trí nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ; đồng thời được bố trí tối đa 3 người/đơn vị trong 1 ngày cụ thể/1 tuần để xử lý công việc cần thiết liên quan.

Các hoạt động quan trọng và cấp thiết khác do Chủ tịch UBND thành phố hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Đối với vùng xanh người dân được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày/lần; mỗi hộ gia đình chỉ được 1 người đi chợ và phải có Giấy đi chợ QRCode hợp lệ theo quy định. Hoạt động tại chợ phải có vách ngăn giữa người bán, người mua và tuân thủ hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Người dân được tập thể dục đi bộ ngoài trời và tham gia các hình thức thể dục khác tại nơi công cộng trong phạm vi vùng xanh, khoảng thời gian từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác.

Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng; đảm bảo có dây giăng, vạch kẻ để phân luồng, giãn cách giữa những người mua hàng; giao hàng tận nơi cho khách hàng. Không được phục vụ khách tại chỗ.

MỚI - NÓNG