Cùng quan điểm với các lãnh đạo EU, ông Bruno bày tỏ sự tiếc nuối song hoàn toàn tôn trọng quyết định ra đi của người dân Anh. Liên quan tới những nhận định không mấy sáng sủa về tương lai của EU trên các phương tiện truyền thông mấy ngày qua, ông Bruno cho rằng thời điểm này đưa ra nhận định còn quá sớm.
“Chúng ta cần biết quyết định của Chính phủ Anh và Nghị viện Anh, cũng như kết quả cuộc họp thượng đỉnh của Ủy ban châu Âu trong hôm nay và ngày mai. Chúng ta đều không mong muốn có ảnh hưởng tiêu cực từ những nhận định vội vàng, cũng như những tác động tới thị trường tài chính trong mấy ngày qua. Cần phải có thời gian mới làm rõ được”.
Theo ông Bruno, với Brexit vẫn cần thời gian để xem Vương quốc Anh có những bước đi như thế nào, cũng như các công việc chuẩn bị đàm phán với Anh ra sao, lúc đó mới có thể có được lộ trình chính xác, qua đó mới đánh giá đúng được những tác động có thể xảy ra.
Với câu hỏi về việc có phải làn sóng di cư là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đi của Anh khỏi EU, ông Bruno nói rằng hiện ông “không có cơ sở để tìm hiểu vì sao Anh lại rời EU”. Tuy nhiên Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam nhận định: “Hãy nhìn lại những thỏa thuận dàn xếp hồi tháng 2 vừa qua mà EU dành cho nước Anh trong việc ở lại EU. Tôi nhận thấy, cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi họ đã không nhìn rõ được tất cả những thỏa thuận đã đạt được này. Do đó nó đã không được phản ánh tốt vào trong cuộc bỏ phiếu lần này của người Anh”.
Khẳng định so với 20 năm trước, EU hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn đáng tự hào, song ông Bruno cũng thừa nhận trong 5 năm trở lại đây EU đã phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn, buộc các thành viên phải có sự đoàn kết mạnh mẽ hơn.
“Về khủng hoảng di cư hiện nay, chúng tôi cũng đã tìm những giải pháp để hóa giải song có lẽ vẫn còn những hạn chế, nhưng nếu vì lý do đó mà người Anh ra đi, người dân Anh có thể nêu ra để chúng tôi cùng ngồi với nhau để giải quyết. Tôi hy vọng sau cuộc họp thượng đỉnh EU, sẽ có một lộ trình cũng như đề xuất của Anh, hai bên sẽ đạt được những thỏa thuận để giải quyết vấn đề”.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc, dẫu các nhà lãnh đạo EU không hề mong muốn nhưng sự ra đi lại do những người dân lựa chọn. Vậy theo ông liệu đã đến lúc EU cần phải cải tổ mạnh mẽ để các công dân EU đều cảm thấy hạnh phúc dươi mái nhà chung ?
Ông Bruno nói : “Đây là câu hỏi rất cơ bản và rất đúng. Có thể thấy trong nhiều năm trở lại đây người dân châu Âu đã nhận thấy lợi ích trong việc tham gia liên minh này cũng như lợi ích trong việc hợp tác cùng nhau dưới mái nhà EU. Và chúng tôi đều phải trả lời tất cả các câu hỏi cũng như đáp ứng tất cả các quan ngại của người dân EU trong những việc như bảo hiểm, giá trị nhà đất, trẻ em đi học như thế nào, tự do đi lại, tự do ngôn luận, hay những vụ tấn công khủng bố gần đây, vấn đề đảm bảo an ninh như thế nào cho người dân EU...
Những câu hỏi đó hết sức thiết thực và chúng tôi cũng phải tìm những câu trả lời thỏa đáng. Và EU cũng như các quốc gia khác đều nhận định những vấn đề chúng ta đang gặp phải là những thách thức mang tính toàn cầu, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể ứng phó được một mình mà không có sự hợp tác.
Trong lịch sử 60 năm của mình, có lẽ chưa bao giờ EU đạt được sự hòa bình trên lục địa của mình mang tính ổn định lâu dài như hiện nay, và đây là một thành tựu hết sức lớn lao của EU. Và người ta cũng đặt ra những câu hỏi như vai trò của EU là gì để đảm bảo cuộc sống ổn định hàng ngày cho người dân EU?
Do đó chúng tôi cần phối hợp với chính phủ các quốc gia thành viên cũng như cơ quan trung ương EU để nâng cao được hiệu quả trong mọi hoạt động của mình . Và do đó chúng tôi cần phải có sự cải cách ở đây. Các nhà lãnh đạo ở cả hai phía, cấp EU và cấp quốc gia thành viên, đều nhận thấy có nhu cầu phải cải cách. Câu hỏi hoàn toàn đúng và chúng tôi nhất trí cần phải có sự cải cách để làm sao đảm bảo cuộc sống của người dân và làm yên lòng các công dân EU”.
Về Hiệp định thương mại tự do VN-EU, ông Bruno tin tưởng vẫn sẽ tiến triển đúng lộ trình hai bên đã cam kết, sẽ được ký kết trong năm tới và thực thi vào đầu năm 2018. “Hiện chúng ta đã có được văn kiện rồi và đang ở giai đoạn rà soát pháp lý cũng như biên dịch sang các ngôn ngữ liên quan. Tôi cho rằng, trong thời gian tới Bộ Công thương cũng như UB châu Âu sẽ tiếp tục phối hợp với nhau về mặt kỹ thuật để các công việc trên được hoàn thành đúng tiến độ”, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam nói.